Quy hoạch báo chí 2020 ra sao và hiện tượng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” có hay không và giải pháp thể nào là nội dung mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trong chiều nay 6/11.
Tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những nhận định, quan điểm riêng của Bộ trưởng về quy định tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí.
“Từ sau khi Bộ trưởng nhậm chức thì tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” hoặc thay đổi ruột bài, có diễn ra hay không? Nếu còn thì vì sao và giải pháp xử lý thế nào?”, ĐB Hiền nêu câu hỏi.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí, tức cơ quan và tổ chức nằm trong hệ thống tổ chức chính trị ở Việt Nam. Mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ mục đích riêng và hoạt động tuyên truyền theo tôn chỉ này. Việc tập trung hoạt động theo tôn chỉ mục đích giúp cho báo chí viết chuyên sâu được cái mà báo chí hiện nay đang còn yếu, đây là cách tiếp cận của Việt Nam đã được luật định.
Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua có nhiều nhà báo đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình, gây khó khăn cho nhiều cơ quan tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan báo chí, nhà báo đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ TT&TT đã và sẽ nghiêm túc xử lý các cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích này, Bộ trưởng khẳng định.
Về việc hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” mà ĐB phản ánh, Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng này. Đỉnh điểm năm 2017, mỗi tuần có đến hàng chục vụ được phát hiện. Nhưng từ năm 2018 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ TT&TT đã dùng công nghệ, phát triển công cụ để phát hiện những bài báo "sáng đăng, chiều gỡ"; Thực hiện nhắc nhở các cơ quan báo chí và yêu cầu giải trình tại giao ban hàng tuần, xử lý hành chính hoặc theo quy định đạo đức nghề nghiệp. Vậy nên, hiện nay hiện tượng này đã giảm đáng kể, mỗi tuần chỉ còn 1-2 vụ phải giải trình nhưng chủ yếu là do lỗi biên tập phải sửa lại.
Về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch các cơ quan báo chí. Tháng 6/2019, Bộ đã có kế hoạch triển khai ban đầu thực hiện.
Đến tháng 6 năm nay, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có một báo cáo sơ kết một năm thực hiện quy hoạch báo chí gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đến thời điểm hiện nay, quy hoạch báo chí các Hội, có 33 tổ chức Hội, ở Trung ương có cơ quan báo hoặc tạp chí thuộc diện quy hoạch đã thực hiện xong.
Đối với quy hoạch báo chí ở các bộ, ngành thì có 13/29 bộ, ngành phải triển khai quy hoạch, đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án quy hoạch, nhưng còn chờ hồ sơ cấp phép. Đối với quy hoạch báo chí địa phương có 31/63 địa phương phải thực hiện quy hoạch, đến nay còn 1/31 địa phương còn thiếu hồ sơ cấp phép.
Theo lộ trình, đến hết 2020 phải thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí. Chúng tôi quyết tâm thực hiện được mục tiêu này. Sau quy hoạch sẽ còn có những việc khác nữa, như phát triển báo chí, xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, cơ chế hỗ trợ đặt hàng báo chí, các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.