Quyết định cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng quy định Luật Giáo dục đại học hay không và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới là hai vấn đề “nóng” ĐBQH quan tâm, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội sáng ngày 6/11.
Nên tôn trọng Luật Giáo dục đại học
Liên quan đến chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) về vấn đề ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Luật Giáo dục đại học hiện hành đã quy định rất rõ: Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Như vậy, các chức danh lãnh đạo bao gồm Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền phê chuẩn; trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công nhận hoặc phê chuẩn.
Như vậy, “có nghĩa là nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng của trường Tôn Đức Thắng, mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, “đây là một trường hợp rất đặc thù, vì Hội đồng trường của Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn là chậm trễ, do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Cho nên, tới thời điểm mà Ban Giám hiệu của Đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm cả Hiệu trưởng nhận kỷ luật của Đảng, thì Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường, vì vậy nó có câu chuyện không rõ ràng ở chỗ này”.
Theo Phó Thủ tướng cho biết, Chính vì lý do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải vào cuộc và trực tiếp lập một đoàn do Thứ trưởng vào làm việc trực tiếp để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Theo đó, trước hết phải thành lập lại Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Và Đoàn đã làm việc rồi, sẽ có báo cáo và sẽ có hướng dẫn.
“Tinh thần tôi nhắc lại là trường Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, có được ngôi trường như ngày hôm nay có thể nói là một điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, của chính quyền TP Hồ Chí Minh, của Tổng Liên đoàn, của tập thể cán bộ, giáo viên của Ban lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng, gồm có Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng là rất đáng trân trọng. Còn việc xử lý cán bộ thì phải theo các quy định của Đảng và pháp luật công chức và theo thông lệ quản lý cán bộ. Ví dụ như là kỷ luật hành chính thì đồng bộ với kỷ luật Đảng mà chúng ta vẫn thực hiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Tán thành với “vế trả lời thứ nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng “áp dụng pháp luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là sai”, song ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đồng thời cũng trao đổi lại với Phó Thủ tướng về “vế thứ hai”.
"Tôi tán thành với vế trả lời thứ nhất của Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, sau khi Chủ tịch Quốc hội nhắc lại yêu cầu trả lời là đúng hay sai, Phó Thủ tướng nói là sai, áp dụng pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động là sai. Tôi muốn trao đổi lại với Phó Thủ tướng vế thứ hai, Phó Thủ tướng nói rằng: Do Hội đồng trường của Đại học Tôn Đức Thắng giải thể trước và bây giờ phải kiện toàn lại thì điều đó không đúng. Tôi đang nói là Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn chức danh Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là phải theo luật, tức là Phó Thủ tướng trả lời đúng, cho nên việc làm đúng đắn của Liên đoàn Lao động là chỉ có thể can thiệp vào đối tượng quản lý của mình, đó là viên chức thuộc quyền của mình, còn chức danh Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường quyết định thì hiệu trưởng đấy chưa bị bãi miễn, chưa bị cách chức. Tôi muốn trao đổi lại với Phó Thủ tướng luật định là như vậy", ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.
Khẳng định đây là quy định của luật, ĐB Lê Thanh Vân cũng đề nghị, “các cơ quan có đơn vị đại học trực thuộc nên tôn trọng Luật Giáo dục đại học. Tự chủ giáo dục đại học là một chủ trương tự chủ rất tiến bộ. Quốc hội vừa thông qua Luật này, chúng ta phải tôn trọng và thi hành triệt để”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Từng người dân đều phải tự chống dịch
Liên quan đến câu hỏi ĐBQH Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, “bên ngoài sóng to gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt”. Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay, chúng ta đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch rất cao, phải kiểm soát rất chặt. Căn cơ hơn nữa ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế"; tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch.
“Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với COVID-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở như vậy phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021.”, Phó Thủ tướng nói
Về nghiên cứu, phát triển vaccine, Phó Thủ tướng cho biết thời gian nghiên cứu, phát triển một vaccine bình thường kéo dài 5-10 năm để xem vaccine đó có tác dụng phòng bệnh không, trong bao lâu, có tác dụng phụ gì.
Hiện nay trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu vaccine COVID-19, trong đó có trên 150 ứng viên, Việt Nam có 4 ứng viên. Có 32 vaccine đã tiến hành thử nghiệm trên người trong đó có 10 vaccine đã thử nghiệm vòng 3 với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Trung Quốc có 4 vaccine, Mỹ có 4 vaccine, Nga có 1 vaccine, Anh có 1 vaccine. Trong 4 đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vaccine.
Mua vaccine nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vaccine toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vaccine giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán cho chương trình này.
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm. Việt Nam vẫn yên bình như hôm nay thì phải chúng sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiên giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở… Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân.