Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp làng học sinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng sau phản ánh của Báo Công lý.
Trước đó, Báo Công lý có bài “Hơn 300 em nơm nớp lo sợ dưới ngôi làng học sinh chờ sập” phản ánh khung cảnh tiêu điều, hoang tàn khi bước chân vào làng học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa). Rất nhiều hạng mục nền, tường, trần nhà bong tróc, thiếu nước sinh hoạt, bếp nấu hư hỏng... đe dọa sự an toàn của hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số đang theo học tại đây.
Theo tìm hiểu của PV, công trình làng học sinh Trường THPT Mường Lát có 15 nhà được đầu tư từ nguồn vốn tổ chức Tere Deshmmer Cộng hòa liên bang Đức, xây dựng năm 2005. Giai đoạn 2 tiếp tục được đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của tập đoàn Viettel, xây dựng năm 2010. Mỗi nhà khoảng 6-8 em học sinh ở, có thời điểm trên 10 em 1 nhà.
Trước tình trạng xuống cấp của các hạng mục đe dọa tới việc theo đuổi giấc mơ giảng đường của các em vùng biên, năm 2013 huyện Mường Lát đã đầu tư sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách huyện như làm lại phần mái 30 căn nhà, xây tường lại 11 căn, thay mới dây dẫn và thiết bị điện, láng nền gầm sàn nhà, sửa chữa nhà bếp, nhà vệ sinh, bể chứa nước, cổng, tường rào, trực bảo vệ, làm đường giao thông nội bộ. Hoàn thiện lại hệ thống cấp nước và hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Sau khi công trình hoàn thành đã có 400 học sinh bán trú Trường THPT Mường Lát vào ở, sinh hoạt tại cơ sở này.
Theo ghi nhận của PV, nơi đây thiếu nước sinh hoạt, nhà dột, tường, nền nhà bong tróc, hệ thống điện sinh hoạt, cửa, nhà vệ sinh, bếp nấu hư hỏng không thể sử dụng được... Cùng với đó, thiếu nhà tắm, bể nước, cổng, đường vào trường, hệ thống tường rào chưa được đầu tư gây khó khăn trong việc quản lý học sinh.
Hiện nhà trường có khoảng 400 học sinh có nhu cầu ở bán trú tại cơ sở này nhưng do điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo nên chỉ khoảng hơn 100 em bám trụ lại nơi lưu trú bất định này vì không có điều kiện để chuyển ra bên ngoài.
Để tạo điều kiện cho học sinh ở bán trú, phần lớn các em là học sinh hộ nghèo, dân tộc thiểu số có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, đảm bảo học sinh an toàn, góp phần nâng cao giáo dục ở khu vực miền núi thì việc đầu tư sửa chữa làng học sinh Trường THPT huyện Mường Lát là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho các em, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập, đảm bảo an ninh trật tự, thuận lợi cho việc quản lý, giáo dục học sinh.
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình ký văn bản 1699/UBND về việc trả lời thông tin trên Báo Công lý với nội dung: Năm học 2020-2021 Trường PTTH Mường Lát có 750 học sinh, trong đó 400 em xa nhà không thể về trong ngày được, phải trọ lại gần trường (270 em ở nhờ nhà người quen; 131 em đăng ký ở nội trú và được bố trí 20/30 căn nhà ở làng học sinh.
Làng học sinh do xây dựng đã lâu nên xuống cấp (nền nhà bong tróc, khu vệ sinh hư hỏng, mái thấm dột, đường nước sinh hoạt nứt, vỡ…) do khó khăn về kinh phí nên UBND huyện Mường Lát chưa sửa sang, khắc phục ngay được. Chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường, Hội phụ huynh đã liên hệ bên ngoài cho 270 em bố trí nơi ở, còn 131 em buộc phải bố trí 20 căn nhà có mức độ xuống cấp ít nhất. Quá trình ăn ở, sinh hoạt và học tập, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh. Đến nay, chưa có bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của các em học sinh.
Trước tình hình cơ sở vật chất làng học sinh Trường THPT Mường Lát xuống cấp, UBND huyện đã làm tờ trình về việc hỗ trợ kinh phí và được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo Làng học sinh Trường THPT Mường Lát. Hiện nay, huyện đang gấp rút tiến hành các bước theo quy định để sớm triển khai thực hiện.