Bổ sung dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022 của Quốc hội

M.Thoa| 17/02/2022 14:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 17/2, UBTVQH đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

202202171047575112_cqh_4511.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật khám chữa bệnh (KCB) đã được xây dựng trên cơ sở làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phạm vi của dự án Luật phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng; thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế.

Nội dung dự thảo luật đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách, gồm: Tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài; Tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa; Đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Quy định về bảm đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề; Quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

10 nhóm chính sách này tập trung vào 05 giải pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ dự án Luật KCB (sửa đổi) do Chính phủ trình cơ bản đã có đủ các loại tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có quan này cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, như: bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính, nhất là về vấn đề quy định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; làm rõ lý do của việc thu gọn, bổ sung một số chính sách mới; rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung đánh giá tác động của chính sách với phạm vi áp dụng của chính sách…

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm, cơ chế thực hiện và tính khả thi của một số nội dung dự kiến quy định trong dự án Luật được mở rộng so với phạm vi của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật hiện hành, ví dụ như về điều trị dự phòng (Khoản 2, Điều 2), về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp (Khoản 3, Điều 2)... khi chưa có đánh giá tác động đầy đủ về các nội dung này.

khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng nay 17/2.

Qua thảo luận, các ủy viên UBTVQH đề nghị, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và hoàn chỉnh hồ sơ cần làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; làm rõ các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng; các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội…

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022 của Quốc hội