Một Sở có 46 cán bộ thì có đến 44 người được bổ nhiệm là Trưởng, phó phòng và chuyện “cả nhà làm quan” diễn ra ở không ít tỉnh, thành… Kết quả thanh tra về vấn đề này được Bộ Nội vụ thông tin tại buổi họp báo ngày 17/2.
9 địa phương có bổ nhiệm người nhà
Thông tin tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, sau khi có thông tin báo chí phản ánh tại một số địa phương có tình trạng bổ nhiệm anh em người nhà giữ các chức vụ, vị trí do mình phụ trách trong cơ quan, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ vào cuộc đến nay đã có kết quả kiểm tra.
Theo đó, 9 địa phương, đơn vị ‘dính líu” đến vấn đề này, bao gồm: Tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, Cần Thơ; Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế - Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế TP. Đà Nẵng.
Thời gian tiến hành thanh tra từ ngày 31/10-/2016-03/11/2016. Kết quả kiểm tra như sau: Số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người. Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người, không có chức vụ 18 người); số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.
Các tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được Bộ Nội vụ chỉ rõ, đó là: Tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ tin học như trường hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang; Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; Huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.
Có tình trạng bổ nhiệm một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm như Chi cục Kiểm lâm thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, có 1 trường hợp có trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm như ở huyện Buôn Đôn, Đăk Lắk) và 1 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao như ở Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo
Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và thủ trưởng đơn vụ chỉ đạo các cơ quan đơn vụ thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, đó là tiến hành tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời đề nghị thu hồi Quyết định tiếp nhận công tác tại UBND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế đối với ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện A Lưới do không thực hiện trình tự thủ tục xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển. Đồng thời xem xét việc miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo đối với ông Hà.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề nghị bố trí vị trí việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn (Đại học Kinh tế - chuyên ngành Ngân hàng) đối với ông Bun Lắp Ksor, Phó trưởng phòng Dân tộc UBND huyện Buôn Đôn và đề nghị chấm dứt hợp đồng lái xe tại cơ quan Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với ông Nguyễn Văn Thanh do vượt chỉ tiêu được giao.
Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã giảm Phó phòng
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Nội vụ đã thông tin về việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 lãnh đạo thì có đến 44 người được bổ nhiệm làm Trưởng, Phó phòng- vấn đề đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Theo đó, tại thời điểm ngày 15/10/2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 9 Phòng với số lượng Phó trưởng phòng là 31 người, trong đó có 6 Phòng chuyên môn có số lượng Phó trưởng phòng nhiều hơn số lượng đề xuất tại Đề án xác định vị trí việc làm do sở LĐTB&XH trình UBND tỉnh là 8 người.
Trong quá trình thanh tra, Giám đốc sở LĐTB&XH quyết định cho 7 công chức thôi giữ chức vụ Phó trưởng phòng (theo đơn tự nguyện thôi giữ chức vụ của công chức) và 1 Phó trưởng phòng chuyển công tác, do đó đến ngày 18/11/2016, số lượng Phó trưởng phòng của Sở LĐTB&XH là 23 người.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương có một số thiếu sót, đó là; có 2 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính; một số trường hợp có thời gian làm công chức tại Sở LĐTB&XH chưa đảm bảo để đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, khả năng quy tụ nhưng đã được bổ sung quy hoạch và được bổ nhiệm Phó trưởng phòng; một số trình tự bổ nhiệm chưa được thể hiện bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm để có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn các trường hợp được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp Phòng; miễn nhiệm chức vụ các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn; thu hồi quyết định bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển số lượng Phó trưởng phòng các phòng ban chuyên môn bảo đảm số lượng phù hợp quy định.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, cơ quan này đang tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, Luật thi đua khen thưởng; bổ sung quy định về xử lý cán bộ công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức với CBCCVC làm việc kém hiệu quả, yếu năng lực, kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp… mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.