Trong trường hợp kế thừa quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng thì người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng cũng phải tham gia vào hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015.
Người được kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng
Điều 55 BLTTHS năm 2015 không quy định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người tham gia tố tụng là người tham gia tố tụng. Trong khi đó, theo điểm c khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 thì “người tham gia tố tụng” là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015. Như vậy, trong trường hợp kế thừa quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng thì người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng cũng phải tham gia vào hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015. Cho nên, cần thiết phải bổ sung người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là người tham gia tố tụng.
Về diện người được kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, theo khoản 5 Điều 62 BLTTHS năm 2015 thì “Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này”. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, ngoài bị hại là cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng còn đặt ra khi bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân chết hoặc nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất.
Trong những trường hợp này, người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của những chủ thể này sẽ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của người mà họ kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hoặc chính bản thân họ. Nhưng thực tế, người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thường được cơ quan người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định là “người đại diện hợp pháp”. Bên cạnh đó, khi bị hại, đương sự là người chưa thành niên thì cha mẹ, người đại diện hợp pháp khác của họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp cho họ. Với cách quy định này không phân biệt được đâu là người đại diện hợp pháp và đâu là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng khi các chủ thể này chết. Đồng thời, quy định này của BLTTHS cũng không tương thích về người đại diện hợp pháp do Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Dân sự quy định.
Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự
Hiện nay, trong tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về việc người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng (Điều 62) bên cạnh quy định về đại diện (từ Điều 73 đến Điều 78). Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định phân biệt giữa người đại diện hợp pháp với người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự cũng có quy định rõ về đại diện từ Điều 139 đến 148. Theo đó, đại diện bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đồng thời, đối với đại diện của cá nhân, theo Điều 147 Bộ luật Dân sự, một trong những căn cứ chấm dứt đại diện của cá nhân là người được đại diện chết (đối với đại diện theo pháp luật), người uỷ quyền chết (đối với đại diện theo ủy quyền).
Hơn nữa, việc không phân biệt giữa người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng với người đại diện hợp pháp trong tố tụng hình sự đã gây khó khăn trong thực tiễn khi một trong các chủ thể này chết, người thừa kế của họ tham gia tố tụng ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
Như vậy, việc dùng thuật ngữ người đại diện hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án khi những người này chết là mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự và gây khó khăn trong thực tiễn. Cho nên, cần quy định về người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của những chủ thể này tham gia tố tụng khi họ chết để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và khắc phục bất cập trong thực tiễn.
Về người đại diện hợp pháp
Khoản 20 Điều 55 BLTTHS năm 2015 quy định “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này”. BLTTHS năm 2015 không có điều luật quy định riêng về tư cách tham gia tố tụng này mà chúng được quy định trong cùng điều luật với tư cách chủ thể mà họ đại diện. Quy định của BLTTHS năm 2015 có thuận lợi là quyền và nghĩa vụ của họ sẽ được quy định cùng với tư cách của người mà họ đại diện. Tuy nhiên, việc quy định này cũng có hạn chế là không có điều luật quy định một cách khái quát, chi tiết về tư cách chủ thể này nên gặp khó khăn trong việc hiểu, vận dụng.
Vì vậy, cần thiết phải có quy định một cách chi tiết, đầy đủ về tư cách người đại diện hợp pháp của người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, nếu chỉ giới hạn người đại diện hợp pháp gồm: người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội và người đại diện theo quy định của BLTTHS năm 2015 là chưa đầy đủ. Bởi vì, nghiên cứu quy định của BLTTHS năm 2015, chúng ta chỉ xác định được những người đại diện hợp pháp ở dạng thứ 2 gồm: người đại diện hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, người làm chứng. Còn trường hợp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt chưa được quy định rõ ràng.
Tuy nhiên, trong trường hợp, các chủ thể này dưới 18 tuổi thì cũng cần người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Trong khi đó, việc xác định người đại diện hợp pháp cho các chủ thể này phải dựa vào quy định của pháp luật dân sự.
Vì vậy, cần bổ sung vào khoản 20 Điều 55 BLTTHS năm 2015 việc xác định người đại diện hợp pháp của người tham gia tố tụng được xác định theo pháp luật dân sự và bổ sung vào BLTTHS năm 2015 điều luật riêng quy định về người đại diện hợp pháp.