Để đồng bộ với Luật Tổ chức VKSND năm 2014, tăng cường trách nhiệm của VKS nhằm chống bỏ lọt tội phạm, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố và khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố.
Quy định cụ thể về thẩm quyền truy tố
BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về giao nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra. Cụ thể, khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giao hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và vật chứng (nếu có), trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản kết luận điều tra đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án. Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản kết luận điều tra chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản kết luận điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể về thẩm quyền truy tố. Theo đó, Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố là Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra. Đồng thời, để xác định thẩm quyền truy tố đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn điều tra, Bộ luật quy định: Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 2 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành.
Đại diện Viện kiểm sát tại một phiên toà hình sự
Quy định này nhằm tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua liên quan đến việc ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, cho rằng Viện kiểm sát cấp trên không có quyền nhưng lại ủy quyền; đồng thời, bảo đảm để Kiểm sát viên nắm chắc vụ án, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa.
Để tháo gỡ những khó khăn trong những vụ án có đông bị can, BLTTHS 2015 tăng thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án. Theo đó, bổ sung trường hợp đặc biệt, vì lý do khách quan thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can, người đại diện theo pháp luật của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày (BLTTHS năm 2003 quy định 3 ngày).
BLTTHS năm 2015 cũng quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi các quyết định tố tụng đến Viện kiểm sát cấp trên; quy định Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định này nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật.
BLTTHS năm 2015 bổ sung điều luật để quy định cụ thể các trường hợp tách, nhập vụ án. Theo đó, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu chung thì việc tách vụ án chỉ được tiến hành trong 3 trường hợp (Bị can bỏ trốn; bị can mắc bệnh hiểm nghèo; bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh); đồng thời, quy định 3 trường hợp có thể nhập vụ án (Bị can phạm nhiều tội; bị can phạm tội nhiều lần; nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có).
BLTTHS năm 2003 quy định “trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án”. BLTTHS năm 2015 bổ sung trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì trước khi hết thời hạn tạm giam 7 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.
Quy định về trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung
BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể hơn các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, gồm: còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện đầy đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra mới thay thế. Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của BLTTHS.
BLTTHS 2015 bổ sung quy định giải quyết yêu cầu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án. Cụ thể, nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.
BLTTHS năm 2003 quy định căn cứ tạm đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát bao gồm: khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu. BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm căn cứ: khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định: khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của BLTTHS mà bị can không đồng ý và yêu cầu phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án.
Để tạo sự thống nhất khi cơ quan kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể các nội dung trong quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án. Theo đó, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS; quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS; quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do và căn cứ phục hồi vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của BLTTHS.