Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng để phù hợp với thực tế xã hội, thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Sửa đổi đề phù hợp với thực tế xã hội
BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII): Bỏ 4 tội danh trong chương này. Đó là các tội: Kinh doanh trái phép; Báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 159, 167, 170, 178 BLHS 1999). Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;
BLHS 2015 đã bổ sung các tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế; tăng phạt tiền với tính chất là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, BLHS 2015 còn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Một phiên tòa hình sự
Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX): BLHS 2015 đã cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; bổ sung 2 tội danh mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 237, 238); tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường. Đồng thời, tăng nặng hình phạt đối với tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 244). Đặc biệt, BLHS lần này đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm thuộc chương các tội phạm về môi trường.
Bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Những nội dung sửa đổi, bổ sung của BLHS 2015 thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù:
Đối với phạt tiền là hình phạt chính (Điều 35): Mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, theo đó, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong Bộ luật mới tăng so với quy định hiện hành cũng như mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật mới quy định thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.
Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36): Bổ sung quy định về không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
Đối với hình phạt tù (Điều 38): Không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (khoản 2 Điều 38). Đồng thời, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản (khoản 1) không quy định hình phạt tù tăng lên so với quy định hiện hành.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình (Điều 40) theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Theo đó, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng như: xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Về loại tội: BLHS 2015 bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).
Đồng thời, Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS 1999) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251). Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân (Điều 249, 250, 252).
BLHS 2015 mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, theo đó, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm hai trường hợp: người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (khoản 3 Điều 40).