Sau 3 năm thực hiện, bộ phim “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có buổi lễ ra mắt phim vào ngày 22/3, với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ và giới truyền thông.
Sau khi tham dự buổi công chiếu, blogger Nguyễn Ngọc Long đã bị bộ phim chinh phục hoàn toàn, và anh đã dành những lời khen có cánh cho tác phẩm này.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh dành lời khen toàn diện: “Sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì "Dạ Cổ Hoài Lang" là bộ phim thứ 2 khiến mình muốn đưa cả nhà đi coi chung ngay lập tức. Một tác phẩm điện ảnh xuất sắc! Đẹp từ phần nghe, phần nhìn đến phần diễn xuất...”
Được chuyển thể dựa trên vở kịch cùng tên của NSUT Thành Hoàng ra mắt vào năm 1994 và đã trải qua hàng ngàn suất diễn, được đóng khung cho diễn xuất tài hoa của hai diễn viên gạo cội: Thành Lộc và Việt Anh, “Dạ cổ hoài lang” chịu khá nhiều sức ép và cả tranh cãi về việc đạo diễn sẽ lựa chọn trung thành hay làm mới bản gốc. Tuy nhiên, sau buổi công chiếu, bộ phim dường như đã giải quyết cực kỳ khéo léo điều này và mang tới sự xúc động cho người xem. Trong status, blogger Nguyễn Ngọc Long viết thêm: “Cả rạp khóc cười cùng nhân vật rồi ngồi lặng đi khi câu hát cuối cùng khép lại 90' ngắn ngủi của phim. Người ta ngồi lắng lại thật lâu không biết vì phim không còn nữa, hay vì sợ cảm xúc trong tim mình rơi vỡ? Quá nhiều người lặng đi và khóc, nhưng đó không phải là những giọt nước mắt mang màu bi luỵ. Vì vui mà khóc, nở nụ cười mà lại vương vấn nỗi buồn.” Anh cũng dành lời ngợi khen cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đạo diễn quá giỏi khi tái tạo thành công một nỗi buồn vốn hiện hữu trong sâu thẳm mỗi người mà không ai thấy hay vờ như không thấy? Một nỗi buồn rất nhân văn, rất đời và rất đẹp.” Kết lại status, anh tổng kết: “Dạ Cổ Hoài Lang, bộ phim hay nhất và ý nghĩa nhất về mọi mặt mình được xem từ giữa năm ngoái”.
Status khen ngợi “Dạ cổ hoài lang” trên Facebook cá nhân của blogger Nguyễn Ngọc Long
Status của blogger truyền thông nhận được sự ủng hộ của cư dân mạng cũng như một số nhà báo, nghệ sĩ đã được thưởng thức bộ phim. Dưới phần bình luận, đạo diễn Dũng “khùng” cũng vào cảm ơn anh vì những lời tâm huyết và sự đồng cảm dành cho bộ phim.
Chia sẻ thêm với phóng viên, blogger Nguyễn Ngọc Long nói anh không chỉ muốn dẫn cả gia đình cùng đển rạp thưởng thức bộ phim mà còn muốn đi xem “Dạ cổ hoài lang” 5 lần!!! Khi được hỏi nguyên nhân vì sao lại ưu ái bộ phim tới vậy, anh giải thích: “Tôi muốn đi xem 5 lần, không phải để ủng hộ phim Việt, mà vì lần 1 xem cho biết thì đã xem rồi. Lần 2 xem để mình biết yêu thương ông bà, cha mẹ nhiều hơn. Lần 3 xem để thêm yêu Quê hương, xứ sở. Lần 4 xem để ngắm nhìn cảnh tuyết rơi và lần 5 xem để một lần nữa được đắm mình vào bản phối "Dạ cổ hoài lang" bằng dàn nhạc giao hưởng hoành tráng của anh Đức Trí.” Chắc chắn với những bật mí của blogger về bộ phim, chúng ta có hơn một lí do để cùng ra rạp thưởng thức bộ phim này.
“Dạ cổ hoài lang” là câu chuyện về hai ông lão là bạn thân từ thời niên thiếu Năm Triều (Chí Tài đóng) và ông Tư Lành (Hoài Linh đóng). Hai ông già người Việt sống trên đất khách nhưng luôn đau đáu, khắc khoải nhớ về quê nhà. Cao trào của bộ phim diễn ra khi ông Tư Lành trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ của vợ, cứ ngỡ con trai và đứa cháu nội duy nhất đang chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ, thế nhưng ông không ngờ cô cháu gái lại chuẩn bị tiệc sinh nhật cho bạn trai, còn con trai thì bận đi làm không về được. Còn ông Năm Triều người bạn chí cốt cũng là “tình địch” từ thời thơ ấu ở quê nhà, cũng bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão cho khỏi phiền phức đã có mặt cúng giỗ cho người con gái mà hai ông từng yêu suốt từ nhỏ đến thanh xuân.
Chí Tài và Hoài Linh
“Dạ cổ hoài lang” có gần 3 năm năm quay phim ở Mỹ, Canada, đồng quê Việt Nam... Bộ phim hầu như trung thành với nguyên tác khi chuyển thể, chỉ có một số tình tiết được thay đổi để hấp dẫn hơn nhưng không làm mất đi mạch cảm xúc của phim. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trí giữ vai trò phối khí cho ca khúc nổi tiếng đã tỏ ra thành công khi tạo ra điểm nhấn đầy xúc cảm trong những phân đoạn sâu lắng, đẩy cao trào nhân vật.
Vở kịch “Dạ cổ hoài lang” mặc dù đã ở trong đời sống người Việt từ hơn 20 năm nay nhưng không thể phủ nhận chính tác phẩm điện ảnh sẽ giúp đưa câu chuyện kinh điển này tiếp cận thế hệ trẻ trong và ngoài nước một cách rộng rãi và đa chiều hơn. Phim chính thức ra rạp vào ngày 24.3 tới.