Tin địa phương

Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng Đông Nam bộ

Minh Sáng 20/02/2024 - 15:14

Bình Phước hiện có 12/13 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, thu hút 391 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,5 triệu USD và hơn 18 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích đất thuê 1.429,66 ha. Trong số 12 KCN đi vào hoạt động, có 8 KCN với diện tích lấp đầy trên 90%.

Xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Tính từ ngày tái lập, tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch xây dựng KCN Chơn Thành với diện tích 500 ha, đây là KCN đầu tiên được quy hoạch tại tỉnh Bình Phước. Trên tinh thần Quyết định số 1107/QĐ-TTg 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Bình Phước được được quy hoạch 7 KCN với diện tích 2.950 ha.

anh-1.jpg
KCN Minh Hưng III nằm trong KCN Minh Hưng, được thành lập vào năm 2007, có tổng diện tích quy hoạch là 291ha

Qua nhiều lần điều chỉnh, đến ngày 11/9/2009, tỉnh Bình Phước đã có 8 KCN được chấp thuận chủ trương thành lập với diện tích quy hoạch 5.244 ha. Kể từ đó, Bình Phước tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển KCN và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng tham mưu điều chỉnh quy hoạch phù hợp cho UBND tỉnh. Đến ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2162/TTg-KTN về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Phước đến năm 2020, theo đó tỉnh Bình Phước được quy hoạch 13 KCN với tổng diện tích là 4.686 ha và hoạt động ổn định cho đến nay.

Ngày 24/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định trên, tỉnh Bình Phước quy hoạch mở rộng 3 KCN hiện hữu, trong đó thành lập mới các KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 1.619 ha. Ngoài ra, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định 15 KCN tiềm năng tại tỉnh Bình Phước nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của Vùng Đông Nam bộ.

anh-2.jpg
Trong số 12 KCN đi vào hoạt động, có 8 KCN với diện tích lấp đầy trên 90%

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%/năm; cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%, thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 11% và kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.

Đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Bứt phá hạ tầng giao thông, ưu tiên kết nối vùng

Những năm qua, Bình Phước luôn xác rõ tầm quan trọng và dành nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, tạo diện mạo mới cho tỉnh.

anh-3.png
Một đoạn đường ĐT 741 qua tỉnh Bình Phước (Ảnh: Đình Trọng)

Đến nay, hệ thống giao thông Bình Phước có 03 tuyến Quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh, 135 tuyến đường huyện, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuyến đường tuần tra biên giới; tỷ lệ nhựa hóa chung đạt khoảng 64,17%.

Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kết nối liên thông hệ thống giao thông tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia và các đầu mối vận tải quan trọng của vùng.

Trong bốn tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Nông), đến nay chỉ duy nhất Bình Phước chưa có tuyến đường liên thông với tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, nhất là trong giai đoạn này tỉnh Đồng Nai đang có nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Sân bay quốc tế Long Thành và một số tuyến đường kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải. Chính điều này đã giảm đi sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước.

anh-4.jpg
Phối cảnh giai đoạn 1 cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Hùng cho biết, để chủ động giải quyết một phần các tồn tại trên, với phương châm “giao thông đi trước”, thời gian qua, tỉnh Bình Phước cũng đã chủ động nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông chính.

Thời gian tới, Bình Phước tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm, như: Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn ĐắkNông – Chơn Thành (Bình Phước), đoạn Chơn Thành (Bình Phước) – Đức Hòa (tỉnh Long An); Các tuyến đường nhằm kết nối tỉnh Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; Đường Đồng Phú – Bình Dương; Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối nội tỉnh… Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư 34 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67.900 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện các tuyến đường đối ngoại, liên kết vùng và nội tỉnh theo quy hoạch.

Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay, Bình Phước thuận lợi kết nối vùng, liên vùng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước phát triển mạnh kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của Vùng Đông Nam bộ