Căn cứ vào kết luận giám định, quy kết bị can làm giả chứng từ nhằm “chiếm đoạt tài sản”, nhưng VKSND tỉnh Bình Định vẫn kiên trì từ chối với hàng chục đơn yêu cầu ra quyết định trưng cầu giám định lại của bị can.
Trong khi đó, tài liệu yêu cầu giám định lại là mấu chốt xác định sự thật trong vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Đang ra Tòa từ dân sự bỗng biến thành hình sự
Ông Phan Lâm Hơn, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình trình bày, Công ty của ông có vay tiền của 2 người em vợ là bà Phạm Thị Thu Thảo và bà Phạm Thị Minh để bổ sung vốn đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Tài tỉnh Bình Định và đều có lập chứng từ ngay tại thời điểm vay mượn – tháng 4/2010 và tháng 11/2011.
Ba năm sau, do thiên tai và làm ăn thua lỗ, Công ty Thanh Bình không có khả năng trả vốn và lãi. Bà Phạm Thị Thu Thảo và bà Phạm Thị Minh khởi kiện công ty Thanh Bình ra TAND TP Quy Nhơn để đòi nợ.
Tại tòa, Công ty Thanh Bình thừa nhận có vay tiền của hai bà Thảo và bà Minh và thỏa thuận sẽ trả nợ; nếu không sẽ cấn trừ tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Tài tỉnh Bình Định
Sau một thời gian Công ty Thanh Bình không đủ tiền để trả nợ, bà Thảo yêu cầu thi hành án. Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tiến hành các thủ tục và giao những tài sản hiện có của Công ty Thanh Bình cho bà Thảo quản lý.
Trong cùng thời gian đó, Công ty Thanh Bình lại đang bị ngân hàng Ngoại thương Bình Định (VCB Bình Định) khởi kiện tại TAND tỉnh Bình Định với khoản vay còn dư nợ hơn 13 tỉ đồng. Đang trong quá trình hòa giải, ông Hơn, đại diện cho Công ty Thanh Bình phát hiện VCB Bình Định đã sửa chữa, tẩy xóa các hợp đồng thế chấp tài sản để tăng khối lượng tài sản thế chấp, nên làm đơn tố cáo.
Thế nhưng, ngày 24/3/2016, CSĐT công an tỉnh Bình Định (CQĐT) lại ra quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với ông Hơn, khởi tố bị can và bắt giam bà Phạm Thị Bình, vợ ông Hơn. Hơn một năm sau, ngày 18/7/2017, CQĐT khởi tố và bắt giam bà Phạm Thi Thu Thảo với tội danh đồng phạm vì làm giả chứng từ vay mượn tiền, tiếp tay ông Hơn “chiếm đoạt tài sản” của VCB Bình Định.
Buộc tội từ tài liệu giả nhưng không giám định lại
Vụ án này đã có ba bản kết luận điều tra (KLĐT), hai cáo trạng; kéo dài từ năm 2016 đến nay; tất cả đều cáo buộc các bị can đã thông đồng làm giả tài liệu vay mượn tiền để từ đó “chiếm đoạt tài sản” của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Bình Định. Tài liệu được xem là mấu chốt để cáo buộc là Giấy nhận nợ vay số tiền 10 tỉ đồng giữa Công ty TNHH Thanh Bình và bà Phạm Thị Thu Thảo ngày 2/4/2010. Trong đó, Giám đốc công ty Thanh Bình là ông Phan Lâm Hơn bị quy kết là chủ mưu, bà Thảo là đồng phạm của vụ án.
Ngày 8/9/2015, Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an- tại TP Đà Nẵng kết luận là: Con dấu trên Giấy nhận nợ vay” ngày 2/4/2010 không cùng với khuôn dấu mà công ty Thanh Bình đã đăng ký với Phòng CSQLHC về TTXH công an tỉnh Bình Định. Tức là con dấu trên giấy nhận nợ vay này là “con dấu giả” (Kết luận giám định số 480/C54C).
Thông báo không chấp nhận giám định lại
Ông Hơn cho rằng, chính ông là người đóng con dấu của Công ty Thanh Bình được đăng ký tại Công an Bình Định; nên kết luận giám định đó không đúng. Kể từ khi có kết luận điều tra ban đầu, tháng 3/2017, ông Phan Lâm Hơn đã nhiều lần làm đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Định ra quyết định trưng cầu giám định lại tài liệu này.
Hơn nữa, theo ông Hơn, toàn bộ tài liệu vay tiền giữa Công ty Thanh Bình và bà Phạm Thị Thu Thảo, có 4 văn bản được ký và đóng dấu vào thời điểm 02/04/2010, thì có 03 tài liệu được chính cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Định ra quyết định trưng cầu giám định và có kết luận là con dấu thật tại Kết luận giám định số 519/C54(Đ2) ngày 20/7/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại TP Đà Nẵng.
TAND tỉnh Bình Định đã ba lần ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, đều trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và có yêu cầu viện kiểm sát giám định lại tài liệu nêu trên. Tuy nhiên, các công văn phúc đáp của VKS tỉnh Bình Định đều không nhắc đến yêu cầu điều tra này của Tòa án.
Ngày 24/8/2018, kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự này đã có văn bản trả lời bị can Phan Lâm Hơn không chấp nhận đề nghị giám định lại vì nhận thấy không có cơ sở để nghi ngờ kết luận giám định ngày 8/9/2015 nêu trên.
Ngoài Giấy nhận nợ trên, còn có giấy nhận nợ của công ty Thanh Bình và bà Minh đều bị Kết luận giám định ngày 8/9/2015 này cho là con dấu giả. Và tài liệu này cũng được Phòng Giám định kỹ thuật hình sự – Bộ Quốc phòng đã có Kết quả giám định số 181/GĐKTHS-P11 ngày 18/07/2017 xác định là con dấu thật.
Như vậy, hoàn toàn có căn cứ và cơ sở “kết luận giám định lần đầu là không chính xác” để giám định lại văn bản “Giấy nhận nợ vay” đề ngày 02/04/2010” theo khoản 1 Điều 211 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, nhằm xác định sự thật vụ án, tránh làm oan người không có tội.
Nếu không giám định lại tài liệu bị cáo buộc là giả mạo nêu trên, mọi lập luận về thủ đoạn gian dối của các bị can sẽ không có cơ sở khi các văn bản, tài liệu tương ứng và liên quan đều đã được Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng xác định là thật.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM: Nếu không giám định lại, tuyên vô tội thì không dám tuyên; tuyên có tội thì không ổn; “ngâm án” thì không được. Theo tôi, trong trường hợp này, Tòa nên ra quyết định trưng cầu giám định lại. Bởi mặc dù đã có kết luận giám định lại, nhưng bị can có yêu cầu, luật sư yêu cầu mà VKS không đồng ý thì mình (thẩm phán) phải làm vì mình có thẩm quyền làm việc đó (khoản đ Điều 45 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 - PV). Bởi mình phải làm sao để thấy yên tâm, tin tưởng hoàn toàn vào kết luận giám định mới xử được. Trường hợp một vụ đánh bạc ở Cần Giờ, tòa huyện tuyên có tội, xử 1 năm tù. Lên phúc thẩm, bị cáo yêu cầu giám định lại; kết luận giám định khác lần trước, Tòa án TP HCM hủy án. Tòa huyện xét xử sơ thẩm lần 2, VKS yêu cầu trả hồ sơ, tòa không đồng ý, Kiểm sát viên không chịu ra tòa. Sau đó VKS rút quyết định truy tố; Tòa phải đình chỉ vụ án và phải xin lỗi và bồi thường. |