Hướng tới mục tiêu 100% cán bộ, chiến sĩ làm chủ công nghệ số vào năm 2026, Công an tỉnh Quảng Ninh đang triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”, lan tỏa từ đơn vị tuyến tỉnh tới cơ sở.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chủ động bắt nhịp với xu thế bằng phong trào “Bình dân học vụ số”.
Đây không chỉ là một cuộc vận động mang tính nội bộ, mà còn là chiến lược lâu dài nhằm nâng cao năng lực số cho toàn lực lượng, tiến tới xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an hiện đại, làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong thời đại mới.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được cụ thể hóa với mục tiêu rõ ràng: đến hết năm 2026, 100% cán bộ, chiến sĩ công an trên toàn tỉnh phải nắm vững kiến thức cơ bản về công nghệ số, thành thạo trong việc sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ vào công tác chuyên môn.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng ta đang phải đối mặt với một dạng ‘mù chữ’ mới – đó là mù số. Khi công nghệ len lỏi vào mọi hoạt động quản lý, nghiệp vụ, giao tiếp, người cán bộ công an nếu không làm chủ được công nghệ sẽ bị tụt lại, thậm chí có thể trở thành điểm yếu bị lợi dụng trong không gian mạng.”
Những nỗ lực chuyển đổi số của Công an tỉnh Quảng Ninh đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Là một trong tám địa phương đi đầu cả nước triển khai Đề án 06, Quảng Ninh đã số hóa mạnh mẽ dữ liệu, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp các tiện ích qua ứng dụng định danh VNeID, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân. Điển hình như việc đổi giấy phép lái xe, người dân có thể thao tác ngay tại nhà, không còn phải xếp hàng chờ đợi tại cơ quan chức năng.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ diễn ra trong nội bộ ngành mà còn lan tỏa tới cấp cơ sở. Công an xã – lực lượng gần dân nhất cũng là tuyến đầu thực hiện chuyển đổi số.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cán bộ công an cấp xã còn hạn chế về kỹ năng công nghệ, gây khó khăn trong tiếp cận, vận hành các phần mềm nghiệp vụ.
Chính vì vậy, phong trào này là một bước đi kịp thời, mang tính đột phá để lấp “khoảng trống số” tại cơ sở.
Để khơi nguồn và lan tỏa phong trào, ngày 10/4, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với sự tham gia của các chuyên gia từ Tập đoàn FPT.
Tại đây, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định: chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy của người đứng đầu.
“Không thể xem số hóa là việc của ngành khoa học công nghệ. Chính lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải là người đi đầu, làm gương, đưa công nghệ vào từng hoạt động nghiệp vụ cụ thể,” Đại tá Phúc nhấn mạnh.
Trong năm 2025, Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” và mở rộng thành “Bình dân học AI” trong toàn lực lượng. Mô hình “Người hướng dẫn – Người học” sẽ được áp dụng rộng rãi qua mạng lưới “Đại sứ số” tại từng đơn vị, từng địa phương. Mỗi công an xã, phường, thị trấn đều phải bố trí cán bộ hỗ trợ người dân thao tác dịch vụ công trên nền tảng số.
Qua đó, chuyển đổi số được gắn trực tiếp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, tuyên truyền phản động trên không gian mạng…
Không chỉ là một phong trào ngắn hạn, “Bình dân học vụ số” đang từng bước trở thành một “cuộc cách mạng” trong tư duy và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an Quảng Ninh.
Khi công nghệ trở thành công cụ thường nhật, cũng là lúc ngành công an tiến gần hơn tới hình mẫu hiện đại – chuyên nghiệp – vì dân phục vụ trong thời đại số.