Bí thư TW Đảng Trương Hòa Bình chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN) Trung ương làm Trưởng đoàn vừa đến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang và làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

Tại An Giang:


Ngày 16-12, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN) Trung ương làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW - Hội nghị Trung ương III khóa X về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh An Giang.

Tiếp Đoàn công tác có ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh An Giang và lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh cùng với Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố của tỉnh.

Chánh án Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh An Giang


Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng tổ chức học tập, quán triệt cho đảng viên, cán bộ, công chức ở cấp mình, ngành mình về nội dung Nghị quyết, các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh An Giang đã kiểm tra các tổ chức và đảng viên có dấu hiệu vi phạm đã phát hiện 135 đảng viên vi phạm tham ô, hối lộ, chiếm đoạt, chiềm dụng tài sản Nhà nước với tổng số tiền gần 3,2 tỷ đồng và 14.044m2 đất, xử lý hành chính 102 đảng viên, chuyển Cơ quan điều tra khởi tố 20 trường hợp.

Ngành Thanh tra đã tiến hành thanh tra 1.699 cuộc thanh tra (trong đó thanh tra PCTN 250 cuộc) phát hiện sai phạm với số tiền hơn 125,6 tỷ đồng (trong đó giá trị tài sản tham nhũng là gần 5,6 tỷ đồng), 210 chỉ vàng 24K, 766.180m2 (kể cả nền nhà). Tổng số tiền đã thu hồi 8 tỷ đồng, 3.29m2 và 388 nền nhà. Kiến nghị xử lý hành chính 4 tập thể, chuyển Cơ quan điều tra 5 vụ, 9 cá nhân có liên quan.

Công tác điều tra tội phạm tham nhũng được An Giang đẩy mạnh thực hiện. Cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố điều tra 15 vụ, 33 bị can gây thiệt hại 12 tỷ đồng, gồm các tội danh: Tham ô tài sản 10 vụ/26 bị can; nhận hối lộ 1 vụ/12 bị can; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 2 vụ/2 bị can; tham ô, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và đánh bạc 1 vụ/2 bị can. Tổng giá trị tài sản qua điều tra, truy tố, xét xử thu hồi 3,3 tỷ đồng và hiện đang tiếp tục kiểm sát điều tra làm rõ 2 vụ/2 bị can về hành vi tham ô.


Sau khi nghe báo cáo, các thành viên của Đoàn công tác số 3 đã đặt một số vấn đề gợi ý, trên cơ sở của báo cáo. Theo Đoàn công tác, lĩnh vực đất đai, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, giao thông vận tải đang “nóng” lên nhiều vụ án tham nhũng bị cơ quan chức năng phát hiện như: Vụ đất đai ở Long Xuyên, Bến xe Châu Đốc, Bảo hiểm xã hội huyện Thoại Sơn… cần xác định nguyên nhân từ đâu? Bài học kinh nghiệm gì cần rút ra? Tình hình tham nhũng có chuyển biến như thế nào? Đặc biệt, công tác cải cách hành chính đạt kết quả ra sao?


Ông Thái Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang cho biết, cải cách hành chính ở An Giang đạt hiệu quả đáng khích lệ. Tỉnh công khai toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tất cả thông tin về mọi lĩnh vực trên trang thông tin điện tử để người dân dễ dàng tiếp cận. Việc thực hiện “một cửa” ở cấp xã và “một cửa liên thông” đã hạn chế được hành vi nhũng nhiễu.


Ông Trần Văn Nhỏ, Chánh Thanh tra tỉnh An Giang thừa nhận, đất đai là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất. Theo ông Nhỏ, một trong những nguyên nhân tham nhũng thời gian qua xuất phát từ việc xây dựng kế hoạch PCTN nhiều nơi làm rất sơ sài, mang tính đối phó. Bên cạnh đó, tiền quỹ của xã, trung tâm y tế, đơn vị sự nghiệp… quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan sẽ là những “đối tượng” dễ bị biển thủ, chiếm đoạt nhất.


Ông Lê Việt Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang chia sẻ, việc người dân tố cáo một số cán bộ lập doanh nghiệp “sân sau”, qua kiểm tra, phần lớn tố cáo này là chính xác. Cần phải có giải pháp bảo vệ người tố cáo. Điều mà ông Khoa đau lòng nhất là trong quá trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, không ít cán bộ ở cơ sở đã “tranh thủ xí phần”, tuy giá trị tham nhũng không cao nhưng hậu quả để lại thật nặng nề.


Thiếu tướng Dương Thái Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, thủ đoạn của tội phạm tham nhũng hiện nay là lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý, lợi dụng chức trách để thực hiện hành vi tham nhũng. Hiện nay, liên quan đến việc đáo hạn ngân hàng, không ít cán bộ ngân hàng “tiếp tay” cho một số đối tượng bên ngoài hình thành những tổ chức “tín dụng đen”.


Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, công tác PCTN của tỉnh trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy số lượng phát hiện có thể tăng nhưng điều đó phản ánh đúng thực chất. Tất cả các vụ tham nhũng liên quan đến đất đai đều xảy ra trước năm 2006. Theo ông Vương Bình Thạnh, trước khi có Nghị quyết 04, việc PCTN có lúc, có nơi còn hô hào khẩu hiệu, chưa đi vào thực tiễn do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Việc công khai tài sản có cũng như không, kê khai xong xếp vào tủ, có vi phạm mới lấy ra xử lý. Từ khi các văn bản pháp luật về PCTN ban hành cũng như tăng cường về cải cách hành chính đã từng bước đạt được hiệu quả thiết thực.


Liên quan đến câu hỏi về những vụ án tham nhũng về đất đai xảy ra, Chủ tịch Vương Bình Thạnh khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, không bao che. Đây là quyết tâm của Đảng bộ An Giang.


Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả mà tỉnh An Giang đã đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị tỉnh An Giang trong thời gian tới cần chủ động quản lý chặt chẽ hơn đối với các lĩnh vực nhạy cảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTN; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để kéo dài làm mất lòng tin của nhân dân, đồng thời không ngừng đề cao vai trò, trách nhiệm và gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về PCTN.



Tại Bộ Giao thông - Vận tải


Ngày 19-12, Đoàn công tác số 3 do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Đoàn kiểm tra số 3 (bên phải) làm việc với Bộ GTVT


Tiếp Đoàn công tác số 3 có ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT và thủ trưởng một số cơ quan trực thuộc Bộ GTVT.


Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Ngay từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, ngày 21-8-2006 của Ban chấp hành Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 350/QĐ-BGTVT về chương trình hành động PCTN và triển khai đến thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ. Trong đó Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN, đồng thời phân công một Thứ trưởng giúp việc cho Bộ trưởng thực hiện công tác này.

Ngoài ra Bộ GTVT đã kiện toàn bộ máy chỉ đạo các đơn vị chuyên trách về PCTN; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác PCTN, lãng phí; ban hành nhiều quyết định, văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sau thanh tra.


Từ năm 2006 đến 2011, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện 17 vụ việc tham nhũng. Trong đó tiêu biểu là vụ án Nguyễn Văn Phú, nguyên là Giám đốc Chi nhánh Công ty Vận tải và Xây dựng sử dụng trên 7,5 tỷ đồng từ quỹ Chi nhánh nhưng không lập chứng từ chi, sử dụng hóa đơn thuế khống để hợp pháp hóa số tiền trên và chỉ đạo hạch toán khống số tiền chi sai. Vụ án Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) tiếp tục điều tra về lập khống danh sách trả lương cho cán bộ tư vấn tại Dự án cầu Bãi Cháy để tham ô 3,4 tỷ đồng. Vụ án tại Công ty Tư vấn Xây dựng đường thủy 1 cố ý lập khống chứng từ rút tiền chia nhau gần 10 tỷ đồng (vụ án chưa được xét xử) v.v…

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chủ động xác minh phát hiện cán bộ tư vấn giám sát có hành vi vòi vĩnh lấy tiền của nhà thầu, trục xuất 1 tư vấn giám sát trưởng quốc lộ 70 ra khỏi công trường, giáo dục răn đe các tư vấn giám sát quốc lộ 279, quốc lộ 70 và quốc lộ 2. Năm 2009, Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Công an Hà Nội bắt và khởi tố đối tượng Lê Gia Biên với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cán bộ Trạm thu phí Chương Mỹ. Năm 2011, ngăn chặn 1 vụ bán thầu của nhà thầu phụ gói thầu số 6 dự án xây dựng đường cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây…


Mặc dù đã nỗ lực thực hiện công tác PCTN, lãng phí, nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ GTVT vẫn chưa cao.


Thay mặt Đoàn kiểm tra số 3, đồng chí Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả mà Bộ GTVT đã đạt được qua 5 năm thực hiện “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Đối chiếu với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 3 khóa X thì công tác PCTN giai đoạn 2006-2011 của Bộ GTVT đã có chuyển biến tích cực, tham nhũng, lãng phí đã có bước được kiềm chế. Trong thời gian tới, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cần quản lý chặt chẽ hơn đối với các lĩnh vực nhạy cảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTN; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác này.

Cùng với đó, Bộ GTVT cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, rà soát, xây dựng thể chế, đẩy mạnh việc công khai minh bạch trong hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác PCTN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xác minh tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật.


Văn Vũ - Trần Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư TW Đảng Trương Hòa Bình chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng