Bị cáo Đinh La Thăng: "Đầu tư vào OceanBank là có hiệu quả"

Mạnh Hùng| 20/03/2018 12:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (20/3), phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bước sang ngày làm việc thứ 2, Viện KSND tiếp tục tham gia phần xét hỏi.

Theo đó, HĐXX và đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo, nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN khi trả lời câu hỏi của đại diện Viện KSND đã khẳng định việc góp vốn vào Oceanbank (OJB) là thực hiện đúng chỉ đạo của HĐQT.

Theo lời khai của bị cáo Đinh La Thăng, quyết định góp vốn lần 1 của PVN vào OJB được sự tham mưu của Ban Tài chính kế toán do ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó TGĐ PVN phụ trách.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi: Khoản 3 điều 37 Nghị định 142 có quy định phải trình Thủ tướng Chính phủ khi đầu tư ngoài ngành từ Công ty mẹ. Thủ tướng đã phê duyệt Nghị quyết 7289 của PVN về việc tham gia góp vốn hay chưa?

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN nói: “Không có quy định Thủ tướng phải phê duyệt Nghị quyết của HĐQT. Nghị quyết của HĐQT chỉ có tính chất nội bộ, tuy nhiên có những Nghị quyết như 7289 cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Việc đầu tư ra ngoài phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”.

Bị cáo Đinh La Thăng:

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa sáng nay

Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch của PVN cũng cho rằng việc đầu tư này còn là để giải quyết hệ lụy từ việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt do trước đó Tập đoàn đã thành lập Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó ngân hàng này đã không được thành lập.

Bị cáo Thăng khẳng định việc đầu tư vào OceanBank là có hiệu quả, năm 2010 làm ăn có lãi, tuy nhiên bị cáo lại không biết kết luận thanh tra 427 của Ngân hàng Nhà nước đối với OJB. Ngay lập tức, nữ kiểm sát viên thông báo lại kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước trước tòa: Tính đến 31/12/2012, OJB lỗ lũy kế 922 tỷ đồng, tính đến 31/12/2011, lợi nhuận của Ngân hàng này âm 1,1 nghìn tỷ đồng.

Trước những chứng cứ  đại diện VKS đưa ra, cựu Chủ tịch PVN cho biết: “Khi đó bị cáo đã chuyển công tác nên không nắm rõ. Tuy nhiên, năm 2010 khi PVN mua cổ phần của OceanBank, giá cổ phiếu trên thị trường là khoảng 2 chấm (20.000 đồng/cổ phần - PV) và PVN mua với giá rẻ hơn. Cổ tức ngân hàng chia cho cổ đông là 16%, các số liệu cụ thể được cung cấp bởi công ty kiểm toán độc lập. Ngân hàng Đại Dương là ngân hàng niêm yết trên Thị trường chứng khoán”.

Đối với việc góp vốn lần hai, đại diện VKS cho rằng PVN góp thêm 300 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương khi chưa xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Một lần nữa, bị cáo  Đinh La Thăng phản bác cáo buộc này.

Bị cáo Thăng nói: “Các quyết định đầu tư của Tập đoàn đều thực hiện khi được sự đồng ý của Thủ tướng. PVN nhận cổ tức đều đặn từ 2009-2013, đó là lợi nhuận, là hiệu quả của khoản đầu tư. Bị cáo chuyển công tác từ 8/2011 và 2 năm sau đó PVN vẫn được nhận cổ tức, nên khoản đầu tư đó là đúng chủ trương của PVN và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản trước khi Tập đoàn quyết định đầu tư. Mong HĐXX xem xét, bị cáo trả lời đúng thực tế là như vậy”.

Cũng  trong phiên tòa sáng nay, được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người liên quan trong vụ án, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN trả lời câu hỏi của vị đại diện VKS về căn cứ nào để ông ký văn bản trình HĐQT PVN về việc ký kết thỏa thuận cũng như ban hành Nghị quyết về việc góp vốn vào Oceanbank?

Bị cáo Đinh La Thăng:

Ông Nguyễn Ngọc Sự

Ông Sự trình bày: PVN dự kiến thành lập ngân hàng Hồng Việt, đồng thời thành lập Ban trù bị ngân hàng. Tuy nhiên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thông báo các Doanh nghiệp không được thành lập ngân hàng, chỉ được phép mua cổ phần của ngân hàng với tỷ lệ tối đa 20%. Do đó, ban trù bị được giao nhiệm vụ tìm kiếm ngân hàng.

Việc đàm phán với một số ngân hàng không thành công. Khi đó, được giới thiệu Oceabank đang có nhu cầu kêu gọi vốn, Ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt đã tiếp cận tài liệu của Oceanbank và đánh giá. Ông Sự lúc đó là Phó TGĐ phụ trách tài chính ký tờ trình kèm bản đánh giá sơ bộ đối với Oceanbank. Nhóm đánh giá ngân hàng đang phát triển theo đúng chiến lược đề ra; Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, vốn điều lệ chỉ 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong báo cáo, đây là ngân hàng được xếp hạng là trung bình khá trong số các ngân hàng TMCP.

Ông Nguyễn Ngọc Sự nói tiếp tục: Sau đó HĐQT PVN xem xét và yêu cầu đánh giá thêm, đưa ra lộ trình nếu tham gia vào Oceanbank thì cần làm những việc gì. Ban trù bị đánh giá tiếp, tới 30/6/2008 đưa ra đánh giá Oceanbank có lãi trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND nhắc lại: “Trong báo cáo 146 đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của Oceanbank, trong đó có đánh giá nếu ngân hàng rà soát lại khoản cho vay, đánh giá đúng thực chất hoạt động thì sẽ phát sinh lỗ”.

Ông Sự nói: “Tôi chỉ ký văn bản báo cáo lên, còn trong chiến lược phát triển ngân hàng, sau khi PVN tham gia góp vốn thì ngân hàng đã có lãi. Sau khi ký văn bản thỏa thuận 146, tôi có nhận được văn bản của HĐQT đánh giá. Đến 30/6/2008 họp HĐQT và tôi ký văn bản yêu cầu Oceanbank cung cấp số liệu đánh giá tình hình hoạt động, Oceanbank không trả lời nên chúng tôi không có số liệu.

Thực sự Oceanbank cũng chưa có kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm dù khi đó đã là tháng 10/2008. Nghị quyết của HĐQT PVN ban hành ngày 11/10/2008. Việc Oceanbank không thực hiện yêu cầu của tôi, lúc đó đã quá thời hạn vì HĐQT PVN đã ra Nghị quyết đầu tư, mà Nghị quyết của HĐQT mang tính chất bắt buộc, lúc đó tôi rất nhiều việc nên nghĩ rằng vì đã có Nghị quyết rồi nên không cần thiết phải báo cáo về việc này…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Đinh La Thăng: "Đầu tư vào OceanBank là có hiệu quả"