Nhiều độc giả thắc mắc, trường hợp đối tượng bị khởi tố điều tra về các hành vi sai phạm đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc trốn ra nước ngoài thì vụ án được giải quyết như thế nào theo quy định?
Giải đáp thắc mắc trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho hay, thực tế có không ít trường hợp khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều đối tượng bị khởi tố không có mặt tại nơi cư hoặc đã bỏ trốn ra nước ngoài từ trước đó.
Mới đây nhất, vào 10/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) để làm rõ sai phạm trong vụ án đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Theo quyết định truy nã, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), bà Nhàn đã bỏ trốn ngày 19/6/2021.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), đối với vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nếu bị can bỏ trốn hoặc cơ quan điều tra không xác định được bị can ở đâu thì đều có quyền ra quyết định truy nã bị can theo quy định của pháp luật.
Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hỉnh.
Đối tượng bị truy nã được quy định chi tiết tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã và Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; Người bị kết án tử hình bỏ trốn; Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với những vụ án có đồng phạm xảy tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mà cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, việc có bị can bỏ trốn hoặc không xác định được nơi cư trú thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành việc truy nã bị can và tạm đình chỉ giải quyết đối với bị can này. Khi nào bắt được sẽ tiếp tục phục hồi điều tra và giải quyết tiếp. Còn đối với các bị can khác thì vẫn tiếp tục tiến hành giải quyết theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã trốn ra nước ngoài thông qua thông tin từ quá trình hoạt động tố tụng hoặc do cơ quan xuất nhập cảnh cung cấp thì cơ quan điều tra có thể tiến hành truy nã quốc tế phải phối hợp với lực lượng cảnh sát Interpol để tìm kiếm bắt giữ bị can.
Bên cạnh đó, trong quá trình truy nã bị can, nếu có căn cứ cho thấy bị can đang trốn tránh ở quốc gia có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì cơ quan tố tụng Việt Nam cũng có quyền căn cứ và nội dung Hiệp định tương trợ tư pháp để yêu cầu nước sở tại bắt giữ và dẫn độ bị can về Việt Nam để xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp bị can trốn tránh ở quốc gia chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể thông qua con đường ngoại giao, căn cứ vào các tập quán quốc tế để yêu cầu nước sở tại phối hợp bắt giữ và dẫn độ đối tượng về nước để giải quyết theo quy định pháp luật.
“Hành vi trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc phát hiện xử lý tội phạm sẽ là tình tiết để bị can, bị cáo phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc khi tòa án lượng hình. Ngược lại, nếu người bị truy nã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm thì đó là những tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường bày tỏ.