Hàng trăm bệnh nhân ung thư tại Thanh Hóa phải trông vào 1 chiếc máy xạ trị gia tốc được đầu tư giữa một đơn vị tư nhân và bệnh viện công từ năm 2009. Đúng thời điểm hết hạn hợp tác thì máy hỏng và không đơn vị nào mang đi sửa chữa.
Năm 2009 Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa (Bên A) và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Y tế Nhật Quang (bên B) đã ký Hợp đồng liên doanh đầu tư Hệ thống máy gia tốc xạ trị điều trị bệnh ung thư có giá 29 tỷ đồng, địa điểm đặt máy tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, thời gian liên doanh là 10 năm.
Trong quá trình thanh lý hợp đồng (kết thúc vào ngày 31/12/2020), hai bên A và B chưa thống nhất được số liệu đánh giá hiệu quả của Dự án và tình hình thu hồi vốn của bên B, dẫn đến “tranh chấp” về quyền sở hữu hệ thống máy gia tốc.
Giữa lúc hai bên đang tranh chấp thì máy rơi vào tình trạng không sử dụng được. Đùn qua, đẩy lại, không ai mang máy đi sửa khiến các bệnh nhân ung thư không có máy để dùng.
Được biết, Dự án Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-UBND ngày 28/3/2016; phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 với tổng mức đầu tư là 699.868.357 đồng (trong đó chi phí bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư là 36.600.000.000 đồng; chi phí xây dựng là 495.957.718.444 đồng; chi phí thiết bị là 69.470.289.738 đồng; chi phí quản lý dự án 6.426.291.887 đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 21.806.798.039 đồng; chi phí khác 23.821.478.409 đồng; chi phí dự phòng 45.785.780.374 đồng). Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh: 814.959.699.000 đồng. Một con số khủng đối với ngân sách đang còn phải xin Trung ương ở xứ Thanh. Một bệnh viện lớn như vậy nhưng bệnh nhân điều trị ung thư vẫn phải chạy qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để sử dụng máy xạ trị.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa cho biết, từ khi thành lập bệnh viện (năm 2017) tới nay, đơn vị vẫn gửi bệnh nhân sang điều trị trên hệ thống máy xạ trị đang đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Gần đây do máy hỏng nên người bệnh dừng xạ trị một thời gian. Khi người nhà bệnh nhân không đủ kiên trì chờ đợi thì được giới thiệu chuyển tuyến hoặc được chống cháy bằng thay đổi phác đồ để điều trị cho phù hợp. Còn hiệu quả thế nào phải có thời gian và khoa học kiểm chứng.
Ngày 9/6/2021, sau khi nhận được kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Y tế giải quyết. Theo đó, giao Bệnh viện Ung bướu căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, lập hồ sơ đề nghị thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thế nhưng để đơn vị này thuê được máy đúng trình tự, thủ tục lại mất quảng thời gian khá dài. Trách nhiệm các bên cứ đẩy đưa và bao nhiêu oan ức cứ đày lên chiếc máy xạ trị.
Sáng 8/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã phải triệu tập cuộc họp khẩn để giải quyết vụ việc nhiều bệnh nhân ung thư không được xạ trị kịp thời do máy hỏng.
Chủ tịch tỉnh phê bình các đơn vị liên quan không giải quyết dứt điểm vụ việc, khiến cho người bệnh hơn 2 tháng qua không có máy để xạ trị ung thư. Chỉ đạo chuyển các bệnh nhân cần xạ trị đến Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (có máy) để được xạ trị, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người bệnh, không phát sinh thêm chi phí như điều trị tại Bệnh viện Ung bướu.
Đồng thời, các đơn vị họp bàn và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định, tiến hành sửa chữa máy xạ trị đang bị hỏng để có máy phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Chậm nhất sau 1 tháng, kể từ ngày 8/7 phải sửa chữa, đưa hệ thống máy xạ trị này vào vận hành, phục vụ bệnh nhân.
Giao Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa lập đề án báo cáo UBND tỉnh để triển khai mua máy xạ trị mới để chủ động trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư, đồng bộ với một bệnh viện chuyên khám và điều trị các bệnh lý ung bướu cho người dân tỉnh Thanh Hóa cũng như ở khu vực Bắc Trung Bộ.