Trong tất cả các bộ sưu tầm lưu trữ y văn đều không tìm thấy loại bệnh này dù nó xuất hiện rất nhiều và có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong đời sống xã hội.
Bệnh lạm quyền diễn ra công khai và “phát huy tác dụng” xấu vào đời sống xã hội, gây phiền hà cơ cực cho công dân và doanh nghiệp nhưng rất chậm được xử lý ngăn chặn.
Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã công bố một con số đáng suy ngẫm: hơn 5.600 văn bản trái pháp luật đã được các địa phương, ban - ngành ban hành trong năm 2017. Thực trạng này được phát hiện là do hoạt động kiểm tra văn bản pháp quy của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.
Báo cáo của công tác này đã điểm mặt cả trăm cơ quan ra văn bản trái pháp luật. Đã có những văn bản bị thổi còi ngay từ dự thảo như mới đây trong quy định về quản lý sinh viên, Bộ GD&ĐT quy định sinh viên đại học sư phạm bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học…
Những văn bản trái khoáy này trùm lên khắp các lĩnh vực: kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, giao thông, xã hội... Hóa ra chỉ vì muốn thuận lợi cho hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, người ta thản nhiên ban hành các quy định áp đặt các cơ quan khác và người dân phải thực hiện. Hành vi này xuất phát từ sự lạm quyền của các cơ quan công quyền. Người ta không hiểu thậm chí cố tình bỏ qua văn bản cao nhất là Hiến pháp và các bộ luật hiện hành để “hiểu sai” quyền hạn của cơ quan tổ chức, đơn vị mình được pháp luật cho phép.
Những trường hợp này cho thấy đội ngũ tham mưu quá kém cỏi, lười nhác. Mặt khác người đứng đầu cũng tắc trách, “ký đại” vì không am hiểu chức năng và quyền hạn của mình và các quy định về ban hành văn bản pháp quy. Trường hợp một chi cục bảo vệ thực vật ban hành văn bản cấm nhập khẩu lúa mì vì nguy cơ nhiễm giống cỏ dại là bài học về ban hành văn bản trái pháp luật, quá thẩm quyền ở ngành nông nghiệp. Các chuyên gia lưu ý, có không ít văn bản được ban hành nhằm bảo toàn lợi ích của một cơ quan, đơn vị hoặc chỉ của một nhóm người.
Trong báo cáo của Bộ Tư pháp trình Quốc hội nêu rõ: Văn bản trái pháp luật rất đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp cơ quan, tổ chức, doanh nghiêp và công dân. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Các quy định này là gốc gác của các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con, giấy phép cháu … ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư - kinh doanh.
Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua chưa có tổ chức hoặc cá nhân, người đứng đầu nào bị xử lý về những tác hại do ban hành văn bản trái luật. Cách xử lý phổ biến nhất hiện nay chỉ là yêu cầu thu hồi, còn tác hại đến đời sống xã hội thì để dần quên.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền các địa phương khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra; kiểm điểm, xử lý, đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hoàn thành việc này trước ngày 30/11/2018. Đã đến lúc cần xử lý vấn nạn này như phòng chống “bệnh dịch” lạm quyền.