Rất nhiều lợi ích mà người bệnh sẽ được thụ hưởng từ bệnh án điện tử, song đến nay sau hơn 4 năm triển khai, cả nước mới có 50 bệnh viện triển khai được bệnh án điện tử. Các chuyên gia cho rằng con số này còn rất khiêm tốn so với tổng số bệnh viện của cả nước.
Nhiều lợi ích từ bệnh án điện tử
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 - 20 năm tùy từng trường hợp.
Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, như: Kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc… Người bệnh cũng không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Việc lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Với các cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay,…). Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn.
Thầy thuốc và nhân viên y tế cũng tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp. Đồng thời, bệnh án điện tử giúp bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Việc đưa bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn trước.
Triển khai bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn. Chỉ cần có đường truyền Internet, các bác sĩ và bệnh nhân có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ.
Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh. Kết quả xét nghiệm, tiền thuốc lưu trong đơn (tức là trong máy), bệnh nhân hoàn toàn có thể theo dõi được diễn biến chữa bệnh của mình .
Đối với bảo hiểm y tế (BHYT), khi dữ liệu về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có…
Theo GS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, việc triển khai số hóa trong bệnh viện là một xu thế rất có lợi cho người bệnh, nhân viên y tế, cho ngành y tế và tất cả các cơ sở chuyển đổi số đều hiện đại, văn minh. Bệnh án điện tử là bước chuyển đổi số quan trọng và cần thiết của ngành y, không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý y tế, cho các cơ sở y tế, mà còn thể hiện sự tiện dụng đối với thầy thuốc và người bệnh.
Tốc độ quá chậm
Từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử, theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Bệnh án điện tử là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, là nguồn dữ liệu đầu vào quyết định cho sự mở rộng sau này của hệ thống.
Theo lộ trình trong Thông tư 46, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử nhưng nay mới có rất ít cơ sở thực hiện. Tính đến giữa tháng 8/2023, cả nước mới có khoảng 50/1.300 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Trong danh sách đã triển khai cũng không có nhiều bệnh viện hạng I, đặc biệt chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện.
Đến nay, mới có 2 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Thống kê cho thấy tỉnh Quảng Ninh hiện còn có 2 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Tại Hà Nội, có 40 bệnh viện công lập nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử gồm 2 bệnh viện hạng I là Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và 2 bệnh viện hạng II là Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Vân Đình. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đến ngày 28/7 năm nay mới chính thức triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế (Bộ Y tế) khẳng định, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng. Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư vốn là điểm khó khăn nhiều nơi gặp phải. Trong khi hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương. Khi đẩy mạnh công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các bệnh viện thì năm 2025 mới có thể triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân chính dẫn tới việc các bệnh viện chưa mạnh dạn triển khai bệnh án điện tử.
Trước hết do nhận thức và quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đến số hóa, chuyển đổi số y tế chưa thật sự sâu sát. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính chưa có. Hiện kinh phí công nghệ thông tin dựa vào ngân sách nhà nước cấp hoặc dựa vào bố trí của cơ sở y tế chứ không có hạng mục riêng.
Trước việc triển khai bệnh án điện tử còn quá chậm, Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi. Theo đó, đến ngày 31/12/2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, so với Thông tư cũ, các bệnh viện hạng 1 trở lên được lùi thời hạn 2 năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.