Không cần đến viện, không sợ tác dụng phụ, chỉ vài gói “thuốc gia truyền” là khỏi hẳn đau xương, nhức khớp, hen suyễn… Quảng cáo hấp dẫn ấy khiến nhiều người tin dùng, để rồi trả giá bằng tay chân teo, mặt sưng phù, suy tuyến thượng thận, chỉ vì uống phải “Đông y” trộn corticoid.
Tiền mất tật mang vì thuốc “Đông y gia truyền”
Những lời quảng cáo về các loại thuốc “Đông y gia truyền” có khả năng chữa trị dứt điểm các bệnh xương khớp, gout, viêm xoang, hen suyễn... thường đánh trúng tâm lý của những người bệnh mãn tính, dai dẳng. Họ tìm đến sản phẩm với hy vọng đây là phương pháp Đông y điều trị an toàn, lành tính, không tác dụng phụ. Tuy nhiên, không ít trường hợp lại rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang khi mua phải Đông dược trộn tân dược.
Bị đau cổ vai gáy, ông H. (75 tuổi) được người quen mách một loại thuốc Đông y nên mua về uống. Chỉ sau vài ngày, tình trạng đau giảm hẳn nên ông uống thêm 2 tháng. Sau khi dừng một thời gian, cơn đau quay trở lại, ông tiếp tục mua thuốc về dùng. Đến khi người mệt mỏi, mặt sưng phù, lông mọc nhiều, chân tay teo, ông đi viện khám thì được chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng tiếp nhận trường hợp bà P. (65 tuổi, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, suy thận mạn, gút mạn. Suốt 2 năm liền, bà giấu gia đình mua một loại thuốc Đông y “chữa bách bệnh” về uống. Khi bà nhập viện, gói thuốc được gửi đến Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để kiểm tra, kết quả cho thấy có rất nhiều thành phần corticoid bên trong với hàm lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Huy Oánh (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết, corticoid có các tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên thường được chỉ định điều trị các bệnh lý về xương khớp, gout, viêm da dị ứng, hen suyễn, suy tuyến thượng thận… Đây là thuốc cần dùng đúng chỉ định, nếu sai liều lượng hoặc dùng kéo dài, dừng thuốc đột ngột có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề như cơ thể tích nước phù nề, loãng xương, tiểu đường, teo tuyến thượng thận…
“Điều đáng lo ngại là nhiều người mua các loại thuốc Đông y về dùng mà không biết thuốc có trộn corticoid. Do corticoid mang lại hiệu quả nhanh nên khi thấy triệu chứng đỡ, người bệnh tin là mình đã mua được thuốc tốt. Cho rằng thuốc Đông y an toàn, ít tác dụng phụ nên họ thường sử dụng kéo dài hoặc khi các triệu chứng tái phát lại mua dùng tiếp. Chỉ khi gặp hàng loạt triệu chứng bất thường họ mới tìm đến bệnh viện thì lúc này sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh.
Vì sao có tình trạng trộn corticoid vào sản phẩm Đông dược?
Một trong những cách phổ biến mà các cơ sở Đông y, “thuốc gia truyền” thường làm là mua corticoid về nghiền thành bột, rồi trộn với các loại dược liệu khác tạo thành viên hoàn, bột uống và bán cho người bệnh.
Những năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt nhiều vụ trộn corticoid vào sản phẩm Đông y trị đau nhức xương khớp, viêm xoang, trị biếng ăn cho trẻ, làm trắng da, trị nám... Mới đây, Công an Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn, thu giữ một lượng lớn thuốc Đông y chữa bệnh xương khớp chứa tân dược giảm đau.
Nhận định về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Huy Oánh cho rằng, các sản phẩm Đông dược vốn có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên nên thường phát huy tác dụng từ từ, đòi hỏi người dùng kiên trì sử dụng. Tuy nhiên, để tạo cảm giác hiệu quả tức thì và thu hút người bệnh, nhiều cơ sở sản xuất đã cố tình trộn thêm tân dược, đặc biệt là corticoid vào sản phẩm Đông y. Corticoid vừa dễ mua, giá rẻ, lại chỉ cần dùng với liều nhỏ đã tạo ra tác dụng giảm đau, kháng viêm nhanh chóng, khiến người bệnh nhầm tưởng thuốc có hiệu quả vượt trội. Đây là chiêu thức đánh lừa tinh vi nhằm chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.
PGS Oánh cũng chỉ ra rằng, phần lớn những sản phẩm này được bán trên mạng, không thông qua các kênh phân phối chính thức nên dễ “lọt lưới” cơ quan quản lý. Hệ quả là người tiêu dùng không chỉ chịu hậu quả về sức khỏe, mà còn mất niềm tin vào những sản phẩm Đông dược chân chính, đây là điều rất đáng lo ngại.
Tuy nhiên, vị PGS cũng nhấn mạnh, những vụ việc bị phát hiện chủ yếu rơi vào các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hoặc sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, không được quản lý chặt chẽ, không đại diện cho toàn ngành.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó tổng Giám đốc Dược phẩm Tâm Bình chia sẻ, các sản phẩm của doanh nghiệp lớn, thương hiệu uy tín đều được lấy mẫu định kỳ bởi các trung tâm kiểm nghiệm của địa phương và trung ương. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm liên quan đến corticoid hay các loại tân dược khác là những chỉ tiêu phổ biến, rất dễ phát hiện nếu có vi phạm. Do đó, ông cho rằng không một doanh nghiệp chân chính nào, đặc biệt là các thương hiệu lớn, xây dựng uy tín nhiều năm lại đánh đổi danh tiếng bằng hành vi gian dối trộn corticoid vào sản phẩm.
“Riêng với Tâm Bình, chúng tôi khẳng định chưa từng và sẽ không bao giờ sử dụng corticoid hay bất kỳ hoạt chất bị cấm nào trong các sản phẩm của mình. Tất cả sản phẩm của Tâm Bình đều sử dụng thảo dược thiên nhiên, được sản xuất theo đúng quy chuẩn, công khai minh bạch thành phần và thường xuyên được lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ, đảm bảo an toàn cho người dùng”, ông nói.
Muốn chữa bệnh an toàn, đừng đánh cược sức khỏe vào thuốc trôi nổi
Trong bối cảnh không ít cá nhân, cơ sở sản xuất sẵn sàng bất chấp đạo đức, trục lợi trên chính sức khỏe và niềm tin của người bệnh, để tránh trở thành nạn nhân của những sản phẩm Đông y trộn corticoid, người tiêu dùng cần giữ cho mình sự tỉnh táo. Không nên tin vào những lời quảng cáo “thần kỳ” không kiểm chứng trên mạng xã hội, càng không nên mua thuốc không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không giấy phép, không công bố thành phần cụ thể.
Thay vào đó, hãy lựa chọn các sản phẩm có giấy phép lưu hành rõ ràng, thành phần được công khai minh bạch, được sản xuất bởi doanh nghiệp có tên tuổi và được phân phối chính thức tại các nhà thuốc đạt chuẩn. Đó không chỉ là cách giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị, mà còn là lá chắn vững chắc để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong bối cảnh thị trường dược phẩm đang ngày càng phức tạp.