Dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, song phân khúc nghỉ dưỡng vẫn chưa hết khó khăn, thanh khoản yếu. Để tìm lại thế cân bằng, phân khúc này phải mất ít nhất 3 năm nữa.
Lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng. Nhưng hiện lạm phát vẫn tác động đến nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng đến mức nhu cầu chi tiêu du lịch của nhiều du khách. Điều này cũng làm cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục "ảm đạm".
Các chuyên gia cho rằng, phân khúc nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng)… đang phải trải qua giai đoạn khó khăn. Thị trường này gần như không có nguồn cung mới, lượng tồn kho có xu hướng tăng do tâm lý các nhà đầu tư còn e ngại suy thoái kinh tế. Cùng đó, sản phẩm trên thị trường chưa hoạt động hiệu quả dẫn đến giá bán giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng không lạc quan.
Tác động cộng hưởng của yếu tố cung cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%; trong khi đó Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%.
Tại mức công suất này, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%. Tuy nhiên, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh diễn ra không đồng đều. So với các điểm đến khác, Nha Trang - Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng.
Theo chuyên gia của DKRA Group, thị trường chung quý cuối năm nay mới nhen nhóm tín hiệu tích cực. Nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phải cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng. Do vậy, nhiều khả năng thanh khoản của các tài sản ven biển vẫn tiếp đà suy giảm trong ngắn hạn.
Trong khi chờ đợi thị trường hồi sinh từ thị trường chung thì các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp, hỗ trợ người mua để tăng kích cầu cho thị trường ở phân khúc này.