Bất cập trong xử lý các vụ án vi phạm quy định về giao thông đường bộ

Nam Phương| 14/11/2018 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ đã phát sinh những tình huống pháp lý, đặt ra vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật để xử lý loại tội phạm này.

Trên thực tế, người thực hiện hành vi phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thường chỉ bị xem xét trên góc độ hình sự đối với hành vi phạm tội của mình và áp dụng theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS). Về xử lý đối với giấy phép lái xe, hầu hết các vụ án, Hội đồng xét xử đều trả lại giấy phép lái xe cho bị cáo.

Trong cấu thành của Điều 202 BLHS 2003 và Điều 260 BLHS 2015 đều chỉ đề cập đến việc người phạm tội không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý ở khoản 2 của những Điều luật này nếu gây hậu quả tương đương ở khoản 1 của điều này. Như vậy nhà làm luật đã xác định việc không có giấy phép lái xe là một tình tiết có tính chất nguy hiểm đối với loại hành vi phạm tội này. Bên cạnh đó tại khoản 5, Điều 202 BLHS 2003 và Khoản 6, Điều 260 BLHS 2015 đều quy định về cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm một công việc. Như vậy việc cấm này cũng chỉ nhằm vào các đối tượng liên quan đến yếu tố điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là nghề nghiệp mà không đề cập đến việc hạn chế quyền điều khiển phương tiện của người phạm tội.

Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về giấy phép lái xe khi tham gia giao thông và cụ thể hóa chế tài xử phạt khi người điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép. Trong xử lý vi phạm hành chính, một số hành vi còn kèm theo việc tước giấy phép lái xe, chính là để tước một quyền mà những người này được nhà nước cho phép. Tuy nhiên trong các quy định của BLHS 2015 đều không quy định việc có chế tài đối với việc xử lý giấy phép lái xe của người phạm tội trong khi đó nếu so sánh về tính chất mức độ hành vi vi phạm của người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiên giao thông đường bộ” là cao hơn rất nhiều so với các vi phạm hành chính do loại tội phạm này thường để lại hậu quả rất lớn cho người bị xâm hại cũng như các thiệt hại đối với xã hội.

Bất cập trong xử lý các vụ án vi phạm quy định về giao thông đường bộ

Ảnh minh họa

Trong BLHS 2015 cũng chỉ quy định việc hạn chế về mặt nghề nghiệp khi một người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nhưng cũng không rõ ràng cụ thể về ai và cách thức nào thực hiện việc cấm và hạn chế đó cũng là một bất cập. Do đó ngoài việc có một hình phạt theo bộ luật hình sự như một hình phạt chính thì cần thêm chế tài trong việc tước bỏ quyền điều khiển phương tiện của những người phạm loại tội này.

Bên cạnh đó còn có một số những vướng mắc bất cập khi áp dụng trong thực tiễn thi hành: Trong cấu thành cơ bản của Điều 260 BLHS 2015 (khoản 1) và các cấu thành tăng nặng (khoản 2, khoản 3) chỉ quy định mức thiệt hại về tài sản riêng biệt để làm căn cứ áp dụng khoản 1, khoản 2 hay khoản 3, mà trong Điều luật không quy định về việc ngoài gây thiệt hại về tính mạng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hành vi vi phạm còn gây thiệt hại về tài sản thì áp dụng theo Khoản nào của Điều luật. Ví dụ: Một người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết 02 người và gây thiệt hại về tài sản 400.000.000 đồng thì áp dụng quy định tại Khoản 2 hay khoản 3 của Điều 260 BLHS 2015?

Tại khoản 4 của Điều 260 có quy định thiệt hại về tổn thương cơ thể của người khác từ 31% đến 60%. Đây là cấu thành giảm nhẹ. Nếu như hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ chỉ gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà không có các yếu tố định khung tăng nặng thì việc áp dụng Khoản 4 Điều 260 BLHS 2015 là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ngoài gây thiệt hại về tổn thương cơ thể của người khác từ 31% đến 60% thì người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đó còn có các tình tiết định khung tăng nặng như: Không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm… Vậy vấn đề đặt ra ở đây là áp dụng theo quy định tại khoản nào của Điều 260 BLHS 2015. Nếu áp dụng khoản 1 là không phù hợp vì đây là cấu thành cơ bản, các điểm từ điểm a đến điểm d của khoản 1 không quy định các tình tiết nói trên. Nếu áp dụng khoản 2, khoản 3 là các cấu thành tăng nặng thì hành vi đó trước hết phải đủ điều kiện cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1, tuy nhiên tổn thương cơ thể của người khác chỉ từ 31% đến 60% thì không đủ điều kiện cấu thành cơ bản, hay vẫn áp dụng khoản 4 mà bỏ qua các cấu thành tăng nặng nói trên. Như vậy, hành vi gây thiệt hại về tổn thương cơ thể của người khác từ 31% đến 60%  và còn các tình tiết định khung tăng nặng như nêu trên thì chưa có quy định để áp dụng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong xử lý các vụ án vi phạm quy định về giao thông đường bộ