Có một Barcelona hỗn loạn và mất phương hướng trong năm 2020. Họ lầm lạc, cuồng quay và rối tung rối mù trong chính những rắc rối từ thượng tầng CLB. Mọi thứ càng trở nên tệ hại hơn kể từ sau bức burofax của Lionel Messi và đỉnh điểm là sự kiện chủ tịch Josep Bartomeu cùng bộ sậu đệ đơn từ chức.
Messi sau tất cả đã chấp thuận ở lại Barca thêm một mùa giải nữa, nội tình đội bóng có thể yên ổn hơn được chút ít. Thế nhưng những thách thức đặt ra cho đội bóng này vẫn còn đang hiện hữu. Và đó là những điều mà tân chủ tịch (cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24/1) của Blaugrana cần phải thực thi ngay để kéo đội bóng này trở lại với vị thế ban đầu.
Bản sắc của CLB
Phong cách chơi bóng đá tấn công tổng lực quyến rũ mà Barca xây dựng kể từ khi Thánh Johan Cruyff sau đó được HLV Pep Guardiola nâng tầm và hiện đại hóa đã dần bị tàn lụi. Người cuối cùng hiện thực hóa được sự hoa mỹ trong cách đá là Luis Enrique hiện cũng đã rời xa khỏi Camp Nou. Những người kế nhiệm sau đó đều ít nhiều không để lại được dấu ấn rõ ràng. Thay vì thể hiện một phong cách đá hiện đại và nâng tầm lối chơi, Barca lại lạc lối trong những lối đá nửa bản sắc nửa hiện đại. Điều này khiến cho Blaugrana sụt giảm qua từng mùa bóng và đến thời điểm hiện tại, nhiều người cũng chẳng thể hiểu nổi Barca mang HLV Ronald Koeman về để xây dựng lối đá gì. Nhất là khi đã gần nửa mùa giải trôi qua, lạc lối vẫn cứ hoàn lạc lối.
Qua từng năm, sức mạnh của Barca sụt giảm thấy rõ. Rõ ràng với tình cảnh hiện tại, đoàn quân của Koeman cạnh tranh cho danh hiệu vô địch La Liga còn khó thì huống hồ gì mơ tưởng sân chơi C1. Mùa trước, họ để tuột mất danh hiệu quốc nội vào tay đại kình địch Real, bị “Hùm xám” dập cho “tơi tả” ở Champions League. Thế mới thấy, sức mạnh của Barca suy yếu ra sao và bản lĩnh ông vua của đội chủ sân Camp Nou sụt giảm nhường nào.
Đây là lúc BLĐ Barca cần phải có một cái nhìn trực diện và tổng quát về tình hình hiện thời của đội bóng. Hẳn sẽ là áp lực rất lớn đặt lên đôi vai của vị tân chủ tịch của Barca. CLB này cần phải khơi gợi và xây dựng lại bản sắc vốn có của mình, đó là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng bậc nhất của người đứng đầu Barcelona.
Phục hưng La Masia
Khi được hỏi rằng đâu là thứ đã tạo dựng lên thành công của Barca những năm đầu thập kỷ 20, hẳn là nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ tới lò đào tạo trứ danh La Masia. Dễ hiểu thôi khi mà đây là nơi đã sản sinh ra hàng loạt những ngôi sao tên tuổi, những quái kiệt của làng túc cầu thế giới. Chúng ta có thể điểm qua một vài cái tên như Xavi, Andres Iniesta, Sergio Busquets,… và hẳn nhiên không thể không nhắc tới Lionel Messi. Chính những con người này cùng với lối chơi tiqui-taca huyền ảo đã mê đắm thế giới trong suốt một thời gian dài. Và tất nhiên, người Barcelona có quyền tự hào với thế giới và cái nôi của những tài năng xuất sắc hàng đầu.
Thế nhưng, theo thời gian thì La Masia đã không còn giữ được danh tiếng như đã từng của mình nữa. Những năm gần đây, người ta chỉ thấy Barca rao đi bán lại những cái tên do chính mình đào tạo nên. Những măng non của CLB được đem đổi lấy mỹ kim thay vì trao cơ hội ở đội một như trước, dù rằng tài năng của họ là thứ có thừa. La Masia giờ đây giống như một lò sản xuất cầu thủ thay vì nơi ươm mầm những cái tên như trước đó.
Không đặt niềm tin vào chính các cầu thủ do mình đào tạo vô hình chung đã đẩy Barca vào cảnh khốn đốn. Blaugrana chi cả núi tiền vào thị trường chuyển nhượng để mang về các cầu thủ đã thành danh hoặc những măng non nhưng đến từ “một miền đất khác”. Thế nhưng như một trò đùa, bỏ ra cả đống tiền để chiêu mộ cầu thủ để rồi nhận về những cú “hớ nặng”. Hơn 100 triệu euro cho những cái tên như Ousmane Dembele hay Philippe Coutinho để rồi họ bị coi là “flop” và lạc lõng trong chính đội hình của mình. Với việc chi tiền theo kiểu “đại gia chân đất” đã khiến cho đội bóng này rơi vào tình cảnh kiệt quệ tài chính và là đề tài để báo giới châm chích và trêu chọc.
Tân chủ tịch của Barca hẳn sẽ phải có một sách lược cụ thể và rõ ràng để gầy dựng lại La Masia trở về với đúng bản chất của nó. Để làm được điều đó, hẳn sẽ phải là một câu chuyện khá dài.
Quy hoạch công tác chuyển nhượng
Thảm họa là hai từ cụ thể và rõ ràng nhất mà người ta có thể nghĩ ra để nói về công tác chuyển nhượng của Barcelona dưới thời Josep Bartomeu. Họ mua sắm trong sự điên loạn và bị o ép vô cùng bởi những đối tác. Hơn 1 tỷ euro trong 5 năm chỉ để chiêu binh mãi mã. Thế nhưng thử hỏi trong số cả tá những bản hợp đồng đó, có mấy người được coi là thành công. Thay vì việc đem về những cầu thủ phù hợp với triết lý CLB hay sở hữu những nét tương đồng trong lối chơi, đội bóng này lại mang về những cái tên “số má” về mặt danh tiếng mà chẳng hề quan tâm tới mức độ hòa nhập.
Những gì mà bộ phận chuyển nhượng của CLB này làm chẳng khác nào “vơ bèo vạt tép” để rồi phần đa những cái tên mà họ đem về, người thì chìm nghỉm, người thì “giữ lại không được, rao bán cũng chẳng ai thèm mua”. Mọi thứ suy cho cùng, cũng bắt nguồn từ vị trí chủ tịch, người đã không thể có được tầm nhìn và sách lược dài hơi trong vấn đề chuyển nhượng cầu thủ. Hệ quả tất yếu là tiền mất tật mang, những vấn đề về mặt chuyên môn của đội bóng không được giải quyết, sức mạnh của Barca vì thế cũng ngày một yếu đi. Hẳn là những người đứng ra ứng cử cho chức vị chủ tịch CLB cũng cần phải nhìn ra được điều này và tránh đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Messi – Chuyện đi ở và quá trình chuyển giao
Lionel Messi từ lâu đã là “Vị thánh bảo hộ của sân Camp Nou”, những đóng góp của huyền thoại người Argentina là không thể đong đếm. Bởi thế cho nên, ngày anh gửi burofax lên BLĐ Barca đề đạt nguyện vọng ra đi, Catalonia như chấn động. Mặc dù đã đồng thuận ở lại Barca hết mùa giải này theo hợp đồng đã ký kết, thế nhưng chính điều đó lại đặt Barca vào tình thế cực kỳ nan giải. Tương lai của Messi luôn là đề tài nóng hổi và quan trọng bậc nhất ở Barcelona. Bởi thế cho nên vị tân chủ tịch mới sẽ cực kỳ đau đầu trong việc giữ chân “linh hồn” của đội bóng. Giữ Messi lại, trao cho anh một bản hợp đồng mới có thể là trọn đời, cùng với đó là một chiến lược phát triển dài hạn, đó là những thứ mà người đứng đầu Barca hôm 24/1 tới đây phải bằng mọi giá làm cho bằng được.
Nếu như chẳng may huyền thoại người Argentina vẫn cương quyết rời đi, anh cũng nên và cần được tôn trọng.
Ngoài ra, trong trường hợp Messi đồng thuận ở lại, thì thử thách vẫn sẽ còn ở đó. Barca cần phải có kế hoạch cụ thể để từng bước giảm sự phụ thuộc vào Messi và kiến tạo một công cuộc chuyển đổi khi siêu sao 33 tuổi treo giày.
Vẫn biết điều này là khó, thế nhưng không sớm thì muộn nó cũng sẽ xảy ra. Tân chủ tịch dù muốn dù không cũng cần chuẩn bị trước, có thì vẫn hơn.