Thay vì bỏ công điều tra về những trang mạng “giời ơi đất hỡi”, những kẻ ném đá giấu tay thì tại sao chúng ta lại không dám khẳng định bằng sự minh bạch?
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến
Có lẽ độc giả đã hình dung ra câu chuyện mà cá nhân tôi muốn nói trong bài viết này. Câu chuyện mấy ngày nay không chỉ người dân của tỉnh Thanh Hóa mà dư luận rộng khắp xôn xao về tin đồn Bí thư Tỉnh ủy có…”phòng nhì”.
Ngay sau khi những tin đồn này xuất hiện, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận. Đồng thời cũng đề nghị cơ quan chức năng địa phương và Trung ương vào cuộc điều tra để trả lại sự trong sáng cho cá nhân ông.
Ông Chiến đã chỉ trích kẻ tung tin đồn bằng những lời lẽ gay gắt, nặng nề rằng đó là những kẻ “bố láo”, “bẩn thỉu”, “táng tận lương tâm”…
Tôi và bất kỳ ai đều hiểu được tâm trạng của ông Bí thư Tỉnh ủy khi bị những “kẻ giấu mặt” công kích bằng việc thêu dệt ra một câu chuyện có vẻ như rất logic để hạ bệ nhân phẩm, làm tổn hại thanh danh của một người quyền cao chức trọng như ông.
Cá nhân tôi ngàn vạn lần không tin vào những lời đồn thổi vô căn cứ và càng không tin rằng một vị Bí thư Tỉnh ủy có thể gây ra việc “động trời” như thế. Nhưng có lẽ, những người dùng lý trí để phủ nhận câu chuyện này giống tôi, coi đó là sự bịa đặt chắc hẳn chỉ là thiểu số.
Chúng ta thừa biết, mạng xã hội đang “dẫn dắt” con người bằng tư duy đám đông. Mà đám đông của mạng xã hội thì luôn tranh luận bằng ý nghĩ chủ quan cá nhân, “ném đá” không thương tiếc những luồng tư duy đối lập để bảo vệ quan điểm chủ quan đó.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề nghị cơ quan Công an điều tra kẻ “ném đá giấu tay” và yêu cầu cơ quan quản lý thông tin truyền thông xử lý các trang mạng đăng tin vụ việc. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy đó không phải là một giải pháp hay.
Điều tra kẻ giấu mặt tô vẽ lên câu chuyện này có khó không? Rất khó. Xử lý các trang mạng tung tin, nếu trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài có dễ dàng không? Chắc chắn không dễ dàng. Tiền nhân nói "được vạ thì má đã sưng". Thế nhưng một cách đơn giản hơn để chứng minh sự trong sạch cho Bí thư Chiến đồng thời cũng vạch mặt những kẻ “bố láo”, đó là sự minh bạch.
Để ý trong vụ việc này thấy có một người vẫn chưa lên tiếng. Hoặc là người phụ nữ tên A. đang rất đau khổ vì bị đặt điều, hoặc là người phụ nữ im lặng vì một lý do riêng tư nào đó không tiện nói ra.
Cô A. cũng là một cán bộ, đảng viên, làm việc trong cơ quan công quyền và đang nuôi con nhỏ tất nhiên phải được bảo vệ. Và như quan điểm tôi đã nêu, phải bảo vệ cán bộ bằng sự minh bạch.
Người phụ nữ ấy có nhiều nhà, nhiều đất, lắm xe sang như tin đồn không? Nếu có thì ở đâu ra? Và cậu con trai là con của ai? Để kiểm chứng những điều này rõ ràng không khó.
Làm rõ được những chi tiết đó thì danh dự của cả hai vị cán bộ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không cần quá nhiều công sức cũng được rửa sạch. Tiếp theo, dư luận sẽ "cạch mặt" vĩnh viễn với những kẻ đặt điều, vu khống, các trang mạng chuyên tung tin bịa đặt ắt tự triệt tiêu. Một mũi tên trúng hai đích, há chẳng tốt hơn sao?
Những tin bịa đặt nhằm bôi nhọ cán bộ, lãnh đạo xuất hiện trên các trang mạng ngày càng nhiều. Nguy hiểm hơn là số lượng người tìm đọc những trang tin này ngày càng đông. Khi càng im lặng bao nhiêu thì sự hồ nghi của người dân tăng lên bấy nhiêu. Điều đó ít nhiều là nguyên nhân làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Một lời khẳng định suông thôi chưa đủ mà cần minh bạch bằng hành động. Tôi tin, nếu chúng ta dám minh bạch thì những câu chuyện bịa đặt sẽ không còn đất sống. Có như vậy, mới tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trong việc làm của cán bộ, đảng viên, làm cho dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Lúc đó, Đảng rất gần dân.