Đời sống

Bao giờ mới hết nạn “tận diệt chim trời”?

Quốc Huy 05/11/2023 - 11:16

Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vấn nạn giăng “thiên la địa võng” để “tận diệt chim trời” vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Cứ vào khoảng đầu tháng 9 hàng năm, trên những cánh đồng các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa xuất hiện dày đặc “trận địa” như lưới tàng hình, chim mồi, loa,… nhằm mục đích săn bắt các loại chim trời hoang dã, di cư; đặc biệt là các loại cò.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý, thu giữ nhiều công cụ phục vụ săn bắt chim trời, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng thì đâu lại vào đó.

tan_diet_chim_troi2.jpg
Không chỉ cò giả, cò thật cũng bị mang ra làm mồi

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã liên tục có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp, xử lý tận gốc vấn đề trên, nhưng mọi chuyện vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo thống kê, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai, quán triệt nội dung chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; tiếp tục duy trì hoạt động của 11 Tổ công tác liên ngành cấp huyện và 416 Tổ liên ngành cấp xã tại các địa bàn trọng điểm, với 3.920 người tham gia.

tan_diet_chim_troi3.jpg
Cò ủ rũ, thiếu sức sống sau khi bị trói chân trong thời gian dài

Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức 15 cuộc tuyên truyền lưu động; phát sóng 198 lượt bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và 1.500 lượt trên hệ thống truyền thanh cấp xã; tổ chức 52 buổi họp dân; vận động 4.350 hộ gia đình ký cam kết không tham gia bẫy bắt, mua bán, vận chuyển chim hoang dã, chim di cư, chim bản địa.

Tại một số huyện trọng điểm, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn và đưa các nội dung tuyên truyền vào bản tin sinh hoạt chi bộ định kỳ.

tan_diet_chim_troi5.jpg
"Lưới tàng hình", một công cụ trong săn bắt chim trời

Lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ, bảo tồn chim hoang dã; thu giữ, tiêu hủy 34.445m lưới, 896 cọc tre, 1.108 bẫy sập, 480 bẫy dính, 2.783 cò giả, 56 lều bạt phục vụ đánh chim cò, 06 bộ loa giả thanh, thả về tự nhiên 688 cá thể.

Xử lý 17 vụ vi phạm hành chính, tiêu hủy 157 cá thể chim và 2,7 kg thịt chim hoang dã; phạt vi phạm hành chính và nộp ngân sách Nhà nước 59 triệu đồng.

tan_diet_chim_troi4.jpg
Bao giờ mới hết nạn "tận diệt chim trời"

Tuy nhiên, tình trạng giăng lưới, sử dụng bẫy để đánh bắt các loài chim hoang dã vẫn còn xảy ra tại một số địa phương như phường, xã: Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thái, Quảng Lộc, Tiên Trang (huyện Quảng Xương); Trường Sơn, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Hùng, Quảng Minh (TP. Sầm Sơn), Hoằng Lưu, Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa), Mai Lâm, Tĩnh Hải (TX. Nghi Sơn)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ mới hết nạn “tận diệt chim trời”?