Trong cải cách cách tư pháp, bảo đảm thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử luôn là nội dung chủ yếu và quan trọng, được quan tâm hàng đầu nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nguyên tắc quan trọng cốt lõi của hoạt động xét xử
Ở Việt Nam, độc lập xét xử của Tòa án luôn được xác định là một nguyên tắc quan trọng cốt lõi của hoạt động xét xử. Nguyên tắc độc lập xét xử được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) và tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp sau này và nội hàm của nó được phát triển rộng hơn dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo khoản 2, Điều 103, Hiến pháp năm 2013, Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm.
Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cần được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở cách tiếp cận, định hướng mà Nghị quyết đã chỉ ra.
Bảo đảm sự độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, trên thực tế chưa đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó, cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền theo định hướng của Nghị quyết 27-NQ/TW còn đòi hỏi nguyên tắc này cần phải tiếp tục được hoàn thiện với những nội hàm mới, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, cần quan tâm nghiên cứu vấn đề về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đó là, độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam; làm rõ chức năng xét xử trong Nhà nước pháp quyền; bảo đảm tính độc lập giữa các cấp Tòa án; bảo đảm những điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật; các thủ tục tố tụng cần phải quy định theo hướng bảo đảm sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; để bảo đảm tính độc lập, tố tụng tại Tòa phải là tố tụng tranh tụng chứ không phải tố tụng buộc tội; Tòa án cần có kinh phí hoạt động - đây cũng là điều kiện bảo đảm quan trọng để Tòa án độc lập.
Trong cải cách cách tư pháp, bảo đảm thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử luôn là nội dung chủ yếu và quan trọng, được quan tâm hàng đầu. Việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về nguyên tắc độc lập xét xử, đánh giá thực trạng để từ đó có các kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc này luôn là vấn đề thời sự, cấp thiết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW hiện nay.
Chức năng đặc biệt của Tòa án là thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý các tranh chấp pháp luật trong xã hội.
Trong hoạt động đó, người vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan trong các vụ án bao giờ cũng có xu thế can thiệp, tạo áp lực để Tòa án phán quyết có lợi cho mình. Cho nên, để bảo đảm tính vô tư, khách quan, để công lý được thực thi, Thẩm phán, hội thẩm cần được độc lập phán xét theo pháp luật, theo lương tâm, cảm nhận công lý của mình.
Xây dựng thiết chế bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ Tòa án
Cùng với công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ban hành Hiến pháp năm 2013 và hệ thống các luật về hệ thống tư pháp nói chung, Tòa án nhân dân nói riêng, Việt Nam đã tạo ra được cơ sở pháp lý khá tiến bộ cho việc bảo đảm cho Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Tình trạng “hành chính hóa” quản lý cũng như hoạt động tư pháp, không phân biệt hoạt động hành chính Nhà nước với hoạt động tư pháp, từ đó không phân biệt được tính đặc thù trong tổ chức, lãnh đạo công tác tư pháp; trong thực hiện chế độ, chính sách đối với tư pháp; trong khen thưởng, kỷ luật trong lĩnh vực tư pháp và hoạt động giám sát tư pháp.
Để Thẩm phán được độc lập, cần có những quy định pháp lý như: Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, không phải là bổ nhiệm theo nhiệm kỳ; được miễn trừ trách nhiệm pháp lý do rủi ro nghề nghiệp, trừ khi họ phạm vào những tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; có chế độ đãi ngộ cao phù hợp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của Thẩm phán; tạo sự tôn vinh của xã hội với Thẩm phán...
Cùng đó, các thủ tục tố tụng cần phải quy định theo hướng bảo đảm sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Xây dựng thiết chế bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ tòa án để đề cao địa vị chính trị và trọng trách của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm cho tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước ban hành đạo luật “bảo vệ quyền uy tư pháp”.
Theo đó, quy định là tội phạm đối với một số hành vi, như gây mất trật tự phiên tòa; cản trở hoạt động xét xử; nhục mạ tòa án... Đồng thời, để thực hiện nghiêm nguyên tắc hai cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm), khắc phục tình trạng lạm dụng cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm đang có nguy cơ trở thành cấp xét xử thứ ba, cần quy định loại trừ và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động xét xử như: Tố tụng giả (khởi kiện giả, làm giả hồ sơ vụ án, chứng cứ giả...); cố ý đeo bám tố tụng (khiếu nại, tố cáo nhiều lần và đã được nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết độc lập và thống nhất, nhưng vẫn cố ý lặp lại nội dung cũ và không có tài liệu, chứng cứ mới); tố tụng ác ý (tạo tình huống để cài bẫy cán bộ tư pháp, sau đó tố cáo); tố tụng không nhất quán (khai báo và cung cấp tài liệu vòng vo, bất nhất).
Các giải pháp trước mắt được các chuyên gia chỉ ra trong các hội thảo, hội nghị là: Quán triệt một cách sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đặc biệt là quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán, hội thẩm.
Nhận thức đúng đắn và đổi mới công tác quản lý Tòa án. Nhanh chóng xây dựng bảng lương riêng cho Thẩm phán; chế độ phụ cấp xét xử mới đối với hội thẩm, góp phần xây dựng liêm chính trong hoạt động của Thẩm phán, hội thẩm.
Quy định chế tài, phát hiện, xử lý kỷ luật một số tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm gây hậu quả nghiêm trọng để kịp thời rút kinh nghiệm và răn đe các trường hợp tương tự...
Các giải pháp lâu dài: Tiếp tục thực hiện tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Tiến hành sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức hệ thống tư pháp, về tố tụng tư pháp tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Sửa đổi, hoàn thiện các Luật Tố tụng tư pháp. Đổi mới việc tham gia xét xử của hội thẩm…