Giáo dục

Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ

N.T.D 29/12/2023 - 09:04

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, Tết Nguyên đán năm 2024.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiếp tục tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của ngành đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa; bảo đảm tuyệt đối công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, có biện pháp giữ gìn sức khỏe cho học sinh khi thời tiết chuyển rét, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời những ngày rét đậm, rét hại.

Tuyên truyền giáo dục trật tự an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường để theo dõi, quản lý học sinh không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, không chơi cờ, bạc và các tệ nạn xã hội.

afwf.jpg
Ảnh minh họa.

Phát hiện kịp thời những diễn biến xấu có nguy cơ làm mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn trong và ngoài nhà trường, chủ động phối hợp cha mẹ học sinh, chính quyền và công an địa phương có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Sở GD và ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường tuyên truyền nâng cao nhận thức kỹ năng phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cảnh báo về các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, học tập lao động tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, tiền ảo...

Đặc biệt các nhà trường cần cảnh báo hình thức lừa đảo trên không gian mạng qua tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng... để cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và người học chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý, tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Theo thống kê của cơ quan Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.

Các thủ đoạn chủ yếu mà đối tượng sử dụng là mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Giả danh cán bộ đang công tác trong lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, xử lý vi phạm, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về... Đối tượng lừa đảo yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử... để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G, 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại...

Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí đến trực tiếp để lừa đảo bán tài liệu, phương tiện, yêu cầu tổ chức các lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm trục lợi. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng do một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin, nhất là các cơ sở mới đưa vào hoạt động nên đã bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo đấy, các đối tượng giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy để yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và yêu cầu chuyển tiền. Sau khi sách và tài liệu được gửi tới người mua qua đường bưu chính, người mua phải trả tiền trước khi nhận bưu phẩm.

Tuy nhiên, người mua không thể liên lạc với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán. Đây không những hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang, phiền hà cho người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.

Lợi dụng công nghệ “Deepfake” để làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng internet thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.

Sau đó, đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có.

Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người dùng để trực tiếp nhắn tin cho các nạn nhân trong danh sách bạn bè. Để tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng truyền tải Deepfake video có sẵn lên kênh video call, khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen và nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ