Đã 44 mùa xuân trôi qua kể từ đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975 – chiến thắng mang ý nghĩa và giá trị to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao.
Nhưng câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?” vẫn làm đau đầu các nhà chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và các nước phương Tây. Vậy, nguyên nhân chiến thắng thực sự là gì?
Khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko viết trong tác phẩm "Giải phẫu một cuộc chiến tranh", xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, đưa ra đánh giá thật chua chát: “Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882 đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị”. Nhà báo Ezwin Knoll dày công sưu tập hơn 7.000 tài liệu của Lầu Năm Góc, trong đó phần lớn là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tháng 9/1991, ông xuất bản cuốn sách "Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ" do Nhà xuất bản Washington (Mỹ) phát hành, gây tiếng vang lớn trong xã hội Mỹ. Góp tiếng nói vào trả lời cho câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?”, một phóng viên của hãng tin UPI thời kỳ chiến tranh Việt Nam là David Lamb đã lột tả sự thật trong cuốn "Vietnam, ngày nay" (Vietnam, Now), trong đó nêu rõ: “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Và rất nhiều các tác phẩm nghiên cứu, phân tích hay hồi ký... Trong đó không thể không kể đến cuốn hồi ký viết về chiến tranh có tựa đề “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson và Nixon, do Nhà xuất bản Random House phát hành tháng 4/1975, đúng vào dịp quân và dân ta đang tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sài Gòn ngày giải phóng (Ảnh tư liệu)
Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là gì? Tất cả các nghiên cứu cùng thực tế lịch sử đều cho thấy, bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đặc biệt nhờ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển rộng rãi, vững chắc. Điều đó lý giải vì sao kẻ thù càng ra sức chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương - giáo thì nhân dân ta càng đoàn kết. Chúng càng tàn sát dã man nhân dân ta thì 54 dân tộc anh em, 31 triệu đồng bào ta khi đó càng sôi sục căm thù và càng đoàn kết với nhau hơn.
Nhờ đó chúng ta chẳng những chiếm ưu thế tuyệt đối về nhân tố chính trị, tinh thần đối với Mỹ - Ngụy, mà còn tạo ra sức mạnh áp đảo chúng về lực lượng trong những thời điểm cần thiết, tiêu biểu là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Một bộ máy chiến tranh chuyên nghiệp đầy tham vọng với một quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại nhất thế giới đã thua ở Việt Nam. Một chính quyền tay sai với một quân đội mà trang bị của nó được coi là hiện đại nhất châu Á, đã bị đánh bại. Đó là sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - sức mạnh được kết tinh từ nhiều nhân tố, cả lực lượng vật chất và tinh thần, bao hàm cả sức mạnh đoàn kết của 31 triệu con người quyết không chịu làm nô lệ.
Nhớ về ngày chiến thắng, chúng ta càng nhớ ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu và công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên suốt chặng trường chinh của dân tộc, không thể quên những gia đình có công với nước. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chính sách, hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công với cách mạng để những giá trị to lớn của Chiến thắng 30/4 luôn được giữ gìn, phát huy trong điều kiện mới.
Thời gian lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng Chiến thắng 30/4 vẫn sáng ngời về ý nghĩa và bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp thêm động lực mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.