Ý kiến của Luật sư về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người mang quốc tịch nước ngoài

Trường Hoàng Giang| 03/08/2018 08:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để làm rõ về vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung đơn thư phản ánh những dấu hiệu sai phạm trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại quận Đống Đa, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Đào Trung Kiên, PGĐ Cty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý.

PV: Xin chào Luật sư, qua nội dung đơn thư phản ánh của ông Đoàn Hữu Khải, Luật sư có ý kiến gì về việc UBND quận Đống Đa - TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Hương Xuân? Việc cấp GCNQSDĐ cho bà Xuân như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không?

Ls Kiên: Để khẳng định việc UBND quận Đống Đa - TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Hương Xuân có đúng quy định của Luật Đất đai hay không thì cần phải làm rõ về vấn đề quốc tịch của bà Xuân. Bà Xuân là người chỉ mang quốc tịch nước ngoài hay cả quốc tịch Việt Nam? Theo tài liệu, thông tin ông Khải cung cấp thì có thể thấy bà Nguyễn Thị Hương Xuân chỉ có quốc tịch Canada, không còn quốc tịch Việt Nam.

Vì vậy, khi ông Khải kết hôn với bà Xuân, thủ tục đăng ký kết hôn phải tiến hành tại Sở Tư pháp TP Hà Nội và trong Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do Sở Tư pháp Hà Nội cấp cũng thể hiện rõ nội dung bà Nguyễn Thị Hương Xuân là người nước ngoài, có quốc tịch Canada.

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Quốc tịch năm 1998 có hiệu lực tại thời điểm năm 2003 thì bà Nguyễn Thị Hương Xuân là người mang quốc tịch nước ngoài. Theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2003 thì cá nhân người nước ngoài không có quyền sở hữu quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Như vậy, nếu có đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Hương Xuân là người mang quốc tịch nước ngoài thì việc UBND quận Đống Đa- TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Xuân vào năm 2004 là không đúng với quy định của Luật Đất đai.

Ý kiến của Luật sư về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người mang quốc tịch nước ngoài

Ths.Luật sư Đào Trung Kiên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý- Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

PV: Luật sư cho biết trong trường hợp UBND quận Đống Đa – TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Xuân sai quy định của Luật Đất đai thì hậu quả pháp lý trong vụ việc này sẽ như thế nào?

Ls Kiên: Trường hợp có đủ căn cứ để khẳng định việc UBND quận Đống Đa - TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Xuân sai quy định của Luật Đất đai thì sẽ rất phức tạp. Bởi lẽ vợ chồng ông Khải đã thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, do không trả được nợ cho ngân hàng nên quyền sử dụng đất đó đã bị phát mại để trả nợ cho ngân hàng. Vụ án tranh chấp KDTM Hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam với vợ chồng ông Khải đã được xét xử, bản án đã có hiệu lực và đã được thi hành án.

Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cấp sai quy định của pháp luật về đất đai thì sẽ không có hiệu lực pháp lý, dẫn đến Hợp đồng thế chấp tài sản cũng bị vô hiệu. Khoản vay của vợ chồng ông Khải với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam sẽ trở thành khoản vay không có tài sản đảm bảo. Như vậy, sẽ làm thay đổi cơ bản nội dung các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Muốn giải quyết vấn đề trên, ông Đoàn Hữu Khải có thể làm đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

PV: Theo phản ánh của ông Khải, diện tích đất nằm ngoài sổ đỏ là 109m2, không bị cơ quan Thi hành án phát mại bán đấu giá. Vợ chồng ông Khải đã quản lý, sử dụng ổn định lâu dài. Nhưng hiện nay bà Hải vẫn chiếm giữ và sử dụng diện tích đất ngoài sỏ đỏ trên. Tại biên bản làm việc giữa các bên, có sự tham gia của UBND phường Trung Phụng, quận Đống Đa và Cục thi hành án dân sự Hà Nội, đại diện UBND phường và Cục Thi hành án cho rằng việc giải quyết vấn đề tranh chấp liên quan đến tài sản bàn giao cho người trúng đấu giá không thuộc chức năng, trách nhiệm của UBND phường và cơ quan thi hành án. Xin luật sư cho ý kiến về vấn đề này?

LS Kiên: Theo nguyên tắc khi bàn giao tài sản đấu giá là bất động sản cho người trúng đấu giá, cơ quan thi hành án phải lập biên bản bàn giao, có mốc giới phân định rõ ràng giữa tài sản được bàn giao với tài sản của các bên liên quan khác. Đồng thời là trung gian để đảm bảo cho các bên thực hiện các quyền hợp pháp của mình.

Còn đối với ý kiến của đại diện UBND phường Trung Phụng, quận Đống Đa cho rằng mình không có trách nhiệm giải quyết vấn đề tranh chấp trên là chưa đúng, là chối bỏ trách nhiệm của mình. Vì UBND phường là chính quyền địa phương ở cơ sở, quản lý về kinh tế xã hội, an ninh trật tự tại địa bàn của mình. Khi phát sinh các tranh chấp ở địa bàn của mình, trước hết, UBND phường phải là cơ quan nắm bắt thông tin đầu tiên, có những phương án, biện pháp ban đầu để phòng ngừa, hạn chế tình trạng mâu thuẫn, mất an ninh trật tự trên địa bàn của mình. Tôi cho rằng cả Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội và UBND phường Trung Phụng, quận Đống Đa đều chưa làm hết trách nhiệm của mình trong vụ việc này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến của Luật sư về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người mang quốc tịch nước ngoài