Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Trần Sỹ| 26/07/2019 13:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh về việc rừng thông cổ thụ hàng chục năm tuổi ở xã Ia Dêr (Ia Grai, Gia Lai), nằm sát ngay TP.Pleiku bị "bức tử". Hiện nay, người đứng đầu đã bị xử lý, tuy nhiên dư luận cho rằng hình thức xử lý vi phạm không tương xứng.

Sau khi Báo Công lý thông tin, Phó Chủ tịchUBND tỉnh Gia Lai ông Kpă Thuyên và Bí thư Huyện ủy huyện Ia Grai thời điểm đó là ông Nguyễn Hữu Quế đã phải đích thân đi kiểm tra thực tế. Tại đây, cả hai vị lãnh đạo đều cho rằng, những rừng thông cổ thụ là nơi thu hút khách du lịch, là một phần của lá phổi TP.Pleiku, vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc phải được quan tâm đặc biệt.

Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng lập đoàn đi kiểm tra, xác minh nội dung báo nêu. Kết quả, có đến 981 cây thông bị róc vỏ. Trong đó, có 715 cây thông bị róc một phần vỏ khô bên ngoài, một số cây có hiện tượng chảy nhựa do có sự tác động của con người. 276 cây thông đã bị chết khô, thân còn đứng nguyên tại hiện trường, vỏ cây đã mục và bị bóc sạch vỏ từ gốc lên khoảng 2-3m so với mặt đất. Nguyên nhân dẫn đến cây thông bị chết một phần do con người xâm hại và do tự nhiên.

Đặc biệt, đây là rừng thông cổ thụ, đường kính của thân cây rất lớn. Vậy nhưng, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ là đơn vị được giao quản lý, chăm sóc, bảo vệ lại cho rằng, số cây bị chết hầu hết đã bị sâu, mọt, côn trùng đục khoét toàn thân nên giá trị sử dụng còn lại rất thấp. Từ đó, đề nghị các ngành, các cấp cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sinh sống gần rừng được thu gom để làm củi đun.

Ngoài ra, trong lúc “lá phổi” của Phố núi Pleiku đang bị xâm hại nghiêm trọng, rừng thông cổ thụ ngày một bị thu hẹp, thay vì chăm sóc, bảo vệ thật tốt, tránh việc rừng thông bị chết thì Ban quản lý rừng phòng hộ lại tiếp tục đề nghị cho chặt, tỉa. Lý do mà Ban quản lý đưa ra là do mật độ không đều, khả năng cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng yếu nên một số cây có thể chết trong thời gian tới.

Và…mặc cho sự “bức tử” nghiêm trọng là vậy, nhưng cuối cùng, theo thông tin từ ông Nguyễn Tất Thành (Phó Trưởng Ban phụ trách-Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) cho biết, bản thân ông với tư cách là người đứng đầu bị hình thức kiểm điểm. Ngoài ra, cán bộ phụ trách địa bàn cũng bị tương tự.

Liệu rằng, với hình thức xử lý trách nhiệm của những cán bộ có liên quan, đã thực sự đúng với tính chất, mức độ xâm hại nghiêm trọng này?. Trong khi, trên địa bàn tỉnh, không chỉ rừng thông ở vị trí này, mà còn rất nhiều rừng thông ở một số huyện, thuộc các chủ rừng khác cũng bị tác động của con người gây nên hiện tượng “rỉ máu” rất lớn.

Cùng nhìn lại, một số hình ảnh mà Báo Công lý đã đăng tải trong loạt bài phản ánh, để thấy rõ hơn về việc rừng thông cổ thụ 40 năm tuổi bị ”bức tử” nghiêm trọng.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Gần 1.000 cây thông gần 40 năm tuổi bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bầu khí quyển trong lành của “phố núi”.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Những cây cổ thụ có đường kính 50-60cm bị cạo và bóc vỏ toàn thân dẫn đến chết.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Rất nhiều cây thông, bị đẽo “thịt” đến 1/3 thân cây.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Ngoài ra, thân cây còn bị đốt…cháy.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Bí thư Huyện ủy huyện Ia Grai ông Nguyễn Hữu Quế (lúc bấy giờ), thẫn thờ trước việc rừng thông bị xâm hại.

Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?

Sau khi đi kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Kpă Thuyên đã yêu cầu xử lý trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ rừng thông ở Pleiku bị “bức tử”: Hình thức xử lý kỷ luật có tương xứng?