Trên mạng xã hội, hàng loạt fanpage Facebook bán sản phẩm gout Metaherb vẫn rầm rộ quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng. Việc quảng cáo trái phép sản phẩm này ngày càng nhiều và trắng trợn hơn.
Tràn lan quảng cáo trên fanpage
Chỉ cần gõ từ khóa gout Metaherb trên mạng xã hội, ngay lập tức xuất hiện rất nhiều các trang rao bán về sản phẩm này. Cụ thể như, “Gout Metaherb - sống khoẻ cùng gout”, “Gout metaherb - công nghệ nano - sống khỏe cùng gout khớp”, “Gout Metaherb - tiêu tan nỗi lo về gout”… Tuy nhiên các bài viết, phóng sự, clip quảng cáo về sản phẩm trên các trang này có rất nhiều nội dung sai sự thật.
Tại trang Facebook có tên “Gout Metaherb - hỗ trợ và điều trị dứt điểm gout” có những bài viết quảng cáo với những lời chào mời: “Viêm gout cấp cỡ nào uống thuốc này là khỏi ngay”, hoặc “Viên gout Metaherb, tạm biệt vĩnh viễn bệnh gout”, “cần gấp 100 anh, chị bị gout thống phong đã dùng đủ nhiều thứ trên đời mà vẫn không khỏi, dùng thử sản phẩm đặc trị gout Metaherb… cam kết tác dụng sau một liệu trình, nếu dùng rồi không đúng như quảng cáo, công ty xin hoàn lại tiền 100%, sản phẩm được cấp phép của Bộ Y tế, sở ban ngành và đã có kết quả trên 30.000 người bệnh”.
Một fanpage quảng cáo viêm gout cấp cỡ nào uống thuốc này là khỏi ngay.
Còn trên trang “Gout Metaherb - tiêu tan nỗi lo về gout” có bài viết: “tại sao gout Metaherb được nhiều bênh nhân gout lựa chọn ?”, cho rằng: “Sau 10 năm nghiên cứu, Thạc sĩ, Bá Thị Châm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng công nghệ bào chế Nano. Ứng dụng công nghệ này trong việc điều trị gout, Công ty Cổ phần Dược Phương Đông đã cho ra đời sản phẩm duy nhất tại Việt Nam có thể điều trị dứt điểm bệnh,…”.
Từ các bác viết về sản phẩm kể trên, khách hàng hoàn toàn bị dẫn dắt, hiểu nhầm rằng đây là một sản phẩm thuốc, có chức năng điều trị dứt điểm bệnh.
Liên hệ theo số điện thoại 02466866303 trên một trang quảng cáo gout Metaherb, chúng tôi được một nhân viên tư vấn nhiệt tình về bệnh. Sau màn tư vấn, chúng tôi được giới thiệu về sản phẩm gout Metaherb với công nghệ mới tiên tiến, nhưng hiệu quả như thuốc Tây, nhưng quan trọng thuốc Tây chỉ mang tính chất chữa nhất thời, còn sản phẩm gout Metaherb sẽ mang tính chất bền vững và lâu dài hơn. Nếu sử dụng sản phẩm trong một tháng đầu tiên sẽ là tổng 120 viên, tương đương 2 hộp, mỗi hộp 60 viên, trị giá 700 nghìn đồng. Nhân viên này khuyên rằng nên sử dụng ít nhất 3 tháng sẽ dứt điểm. Khi được hỏi về địa chỉ sản phẩm thì nhân viên cho biết, sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược liệu Phương Đông, địa chỉ số 1, ngách 69B/33, Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Không những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm gout Metaherb, một số trang còn lợi dụng hình ảnh lãnh đạo cấp cao để quảng cáo trái phép. Trên trang có tên “Gout Metaherb – sống khỏe cùng gout ở sức khỏe mẹ và bé” có bài viết nói về việc có sự xuất hiện hai lãnh đạo cấp cao đến thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm Metaherb tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sự quan tâm của lãnh đạo chính phủ đến các sản phẩm khoa học ứng dụng là động lực để chúng tôi quyết tâm hơn nữa trong việc đưa các sản phẩm Metaherb đến người tiêu dùng rộng rãi hơn…
Thực phẩm chức năng Metaherb được quảng cáo là sản phẩm đặc trị.
Sai phạm, bất chấp quy định pháp luật
Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm gout Metaherb thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Dược liệu Phương Đông, địa chỉ số 1, ngách 69B/33, Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Giấy tiếp nhận công bố số 50107/ATTP-XNCB. Như vậy, giấy phép của sản phẩm này là thực phẩm chứ không phải thuốc chữa bệnh.
Theo Mục b, Khoản 3, và Khoản 4, Điều 3, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: “b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Rất nhiều bài viết quảng cáo “nổ” trên Facebook.
Ngoài ra, việc quảng cáo thực phẩm chức năng cũng phải tuân thủ Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT Bộ Y tế, quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế: “c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.
Tuy nhiên, tại nhiều bài quảng cáo trên trang không khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” theo quy định và nội dung quảng cáo cũng trái với các quy định liên quan đến quảng cáo.