Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An: Ai “bảo kê” cho hàng loạt trạm bê tông không phép?

Nhóm PV| 22/11/2018 13:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù chưa hoàn thiện về mặt thủ tục nhưng các trạm bê tông đã hoạt động rầm rộ trong thời gian dài, thách thức chính quyền và dư luận.

Trạm bê tông hoạt động chỉ phục vụ nội bộ công ty

Nằm trong diện tích gần 30.000 m2 tại xóm 5 xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, của ông Phạm Văn Lương (trú tại khối 3 thị trấn Cầu giát- huyện Quỳnh Lưu) thuê của UBND huyện Quỳnh Lưu, vào năm 2009 và 2010, với thời hạn 30 năm.

Theo quy hoạch, diện tích này được thuê để phục vụ mục đích xây dựng  nhà máy mộc dân dụng, sản xuất gạch block và gạch đất nung; làm bãi đậu xe cơ giới và xưởng sửa chữa xe. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, trong khuôn viên diện tích đó lại “mọc” lên một trạm bê tông chưa hoàn thiện thủ tục nhưng đã đi vào hoạt động.

Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An: Ai “bảo kê” cho hàng loạt trạm bê tông không phép?

Trạm bê tông của Công ty TNHH Hồng Đào “mọc” lên mà chính quyền cấp xã không hề biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Thanh – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) cho biết: “Diện tích này là của Công ty TNHH Hồng Đào (có trụ sở tại khối 3 thị trấn Cầu Giát) thuê để phục vụ công việc kinh doanh. Việc trong diện tích đó có “mọc” thêm một trạm bê tông thì tôi không biết. Đến khi nghe báo chí phản ánh tôi mới biết nhưng cũng chưa kiểm tra được vì bận nhiều việc quá”.

Bà Hồ Thị Phương- cán bộ địa chính xã Quỳnh Mỹ cho biết: “Diện tích này họ thuê huyện nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra. Họ lắp trạm bê tông có lẽ để sản xuất gạch block. Khoảng tháng 6 - tháng 7 năm 2018 chúng tôi có xuống kiểm tra nhưng không thấy”.

Ông Nguyễn Sơn Hà – Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Trạm trộn này hoạt động từ năm ngoái đến năm nay nhưng chưa có thủ tục đầy đủ. Họ chỉ hoạt động để phục vụ các công trình do công ty này thi công chứ chưa bán ra ngoài. Chúng tôi cũng biết họ hoạt động thế là sai. Đã nhiều lần báo chí phản ánh và chúng tôi cũng yêu cầu họ hoàn thiện hồ sơ nhưng cho đến thời điểm này thì vẫn chưa xong”.

Một trạm trộn bê tông không phép đã hoạt động gần 2 năm nhưng Chủ tịch UBND xã không biết (cho đến khi báo chí phản ánh), vậy dựa vào đâu để có thể khẳng định rằng bê tông từ đây chỉ để phục vụ cho công trình của công ty mà không bán ra bên ngoài?.

Hoạt động 2 năm mà chưa hoàn thiện thủ tục

Một trạm trộn bê tông thương phẩm nằm sát bên QL1A, ở xóm 5, xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) đi vào hoạt động đã 2 năm nay nhưng những thủ tục về giấy phép xây dựng và quan trắc môi trường thì đơn vị này vẫn chưa hoàn thành. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, đơn vị này còn lấn chiếm hành lang an toàn giao thông QL1A khiến dư luận bức xúc.

Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An: Ai “bảo kê” cho hàng loạt trạm bê tông không phép?

Trạm bê tông của công ty CP xây lắp Giang Sơn còn vi phạm về hành lang an toàn giao thông nghiêm trọng và kéo dài.

Ngày 14/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2554/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Trạm trộn bê tông thương phẩm công nghệ cao và gia công, lắp đặt sửa chữa máy móc công trình nông nghiệp tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cho chủ đầu tư dự án là Công ty CP xây lắp Giang Sơn.

Khu đất lập quy hoạch xây dựng có diện tích 11.006,9m2. Các hạng mục công trình được thể hiện trong bản vẽ quy hoạch là 11 hạng mục. Trong đó, có hạng mục trạm trộn với diện tích xây dựng trong quy hoạch là 300m2.

Tuy nhiên, khi chưa có giấy phép xây dựng theo quy định thì đơn vị này lại tự ý xây dựng khu trạm trộn từ năm 2017 và đi vào hoạt động rầm rộ ngay sau đó cho đến hôm nay.

Ngoài việc thiếu thủ tục về giấy phép xây dựng như đã phản ánh ở trên thì trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CP xây lắp Giang Sơn còn không thực hiện quan trắc môi trường theo quy định. Hơn nữa, đơn vị này còn ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn giao thông QL1A để tập kết cát, sỏi và tổ chức sản xuất đúc bê tông ngay sát đường.

Tại hiện trường, hàng trăm khối cát, sỏi đổ chất đống cao vút, nhiều công nhân đang tiến hành đúc cấu kiện bê tông rồi sau đó xếp sản phẩm la liệt dọc hành lang an toàn giao thông của quốc lộ, điều này đã khiến cho người tham gia giao thông bức xúc, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An: Ai “bảo kê” cho hàng loạt trạm bê tông không phép?

Trạm bê tông của Công ty CP xây lắp Giang Sơn đã hoạt động 2 năm nhưng chưa hoàn thiện thủ tục.

Ngoài ra, người tham gia giao thông và người dân sống gần khu vực nhà máy bê tông nói trên cũng hết sức bức xúc vì đơn vị này ngang nhiên dùng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đổ ngay sát QL1, cách cổng nhà máy khoảng vài chục mét. Chất thải đổ khắp nơi, đổ xuống lấp ruộng rau muống rồi chảy tràn ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 28/3/2017, UBND xã Quỳnh Giang đã có quyết định xử phạt hành chính 4.000.000đ (bốn triệu đồng) đối với ông Nguyễn Hữu Giang về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, yêu cầu ông Nguyễn Hữu Giang phải trả lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Trạch – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang, thừa nhậnCông ty CP xây lắp Giang Sơn chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định: “Hiện, trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CP xây lắp Giang Sơn chưa có giấy phép xây dựng và chưa tiến hành quan trắc môi trường theo quy định.

Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức đúc bê tông, tập kết sản phẩm và vật liệu lấn hành lang an toàn giao thông QL1A. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của báo chí nêu và sẽ yêu cầu đơn vị tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang có 2 trạm bê tông hoạt động trái phép. Một điều khá ngạc nhiên là vị trí của 2 trạm trộn này chỉ cách trung tâm hành chính huyện khoảng 5km. Chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện đều biết sự tồn tại của nó. Tuy nhiên lại không “nhiệt tình” trong việc xử lý nghiêm túc.

Điều này không những thể hiện sự xem thường pháp luật của doanh nghiệp mà còn gây nên sự bức xúc trong nhân dân và hoài nghi về sự “dung túng” của cán bộ, đồng thời tiếp tay cho sai phạm. Phải chăng vì đây là 2 doanh nghiệp “con cưng” của huyện nên lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã “nhắm mắt làm ngơ” cho doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm pháp luật? Và rồi trách nhiệm sẽ chẳng thuộc về ai trong vấn đề này?.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An: Ai “bảo kê” cho hàng loạt trạm bê tông không phép?