“Bùng nổ” mô hình ví điện tử tại Việt Nam

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh| 03/01/2018 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng loạt ví điện tử với dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động ở Việt Nam nhưng còn nhiều vấn đề pháp lý đặt ra.

Ví điện tử được coi như một tài khoản điện tử, giống như “ví tiền” của người dùng được sử dụng trong thanh toán trên Internet một cách đơn giản, tiết kiệm thời gian. Gần đây thị trường ghi nhận liên tục có thêm nhiều ví điện tử được phát hành mở ra một ngành dịch vụ thanh toán trực tuyến cho thương mại điện tử của Việt Nam.

“Bùng nổ” mô hình ví điện tử tại Việt Nam

Trong năm 2016, giá trị giao dịch tại thị trường Việt Nam thông qua Ví điện tử đạt 53.109 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, mô hình ví điện tử đã được phát triển từ khá lâu, nhưng mãi đến năm 2014 mới được đẩy mạnh nhờ sự “ra đời” hàng loạt ví điện tử khác nhau như: VTC pay, Momo…Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2016, giá trị giao dịch tại thị trường Việt Nam thông qua Ví điện tử đạt 53.109 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được phép cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, ví điện tử là một loại tài khoản trực tuyến được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ có hợp tác với Ngân hàng để quản lý tiền. Thông qua kết nối này, ngân hàng giúp người dùng an tâm hơn và người bán cũng tin tưởng hơn khi chắc chắn nhận được tiền ngay khi giao dịch thành công.

Ví điện tử được dùng cho việc thanh toán trực tuyến vì nhiều tính năng hỗ trợ từ nhà cung cấp mà một tài khoản ngân hàng bình thường không hỗ trợ. Như hiện nay, nếu sử dụng ví điện tử, người dùng không cần mang theo hàng loạt thẻ các ngân hàng trong người mà chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh.

Chẳng hạn một cửa hàng online được tích hợp sẵn chức năng thanh toán qua ví điện tử, người mua hàng chỉ cần chọn món hàng cần mua, chọn tài khoản thanh toán đã kết nối với ví điện tử và thanh toán là xong.

“Bùng nổ” mô hình ví điện tử tại Việt Nam

Sau khi tài khoản ví đã có tiền thì giữa các tài khoản đã có thể giao dịch, chuyển tiền qua lại với nhau hoặc người dùng có thể trực tiếp thanh toán các dịch vụ có kết nối với ví điện tử.

Với những tiện ích như vậy, ngày càng nhiều người dùng quan tâm và muốn sử dụng ví điện tử để thuận tiện cho các hoạt động thanh toán trực tuyến. Nhưng thực tế trên thị trường hiện nay số doanh nghiệp sống “khỏe” với hoạt động của ví điện tử còn khá ít, trong khi đó nhiều doanh nghiệp mở ví điện tử lại đang tồn tại khá chật vật, khó có khách hàng và gần như không có khả năng cạnh tranh với những “ông lớn” khác.

Đây là một thực trạng khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, khách hàng thường lựa chọn những thương hiệu uy tín, gắn với những chợ điện tử hay ngân hàng quen thuộc. Mặt khác còn nhiều người dùng lo ngại khi sử dụng ví điện tử thiếu các chế tài bảo vệ khi xảy ra các hành vi gian lận, tranh chấp… Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều ví điện tử đang phải “phá rào” mở ra nhiều mô hình hoạt động khác nhau nhằm thu hút người dùng sử dụng.

Hiện nay hầu hết trên thị trường các ví điện tử đều tạo điều kiện cho khách hàng được nạp tiền vào tài khoản ví thông qua ba hình thức chính: kết nối với tài khoản ngân hàng; nạp tiền từ thẻ cào; nạp từ tiền mặt.

Sau khi tài khoản ví đã có tiền thì giữa các tài khoản đã có thể giao dịch, chuyển tiền qua lại với nhau hoặc người dùng có thể trực tiếp thanh toán các dịch vụ có kết nối với ví điện tử. Ngoài ra, người dùng còn có thể rút tiền từ ví vào tài khoản ngân hàng, đến các địa điểm giao dịch trực tiếp để rút tiền mặt.

Nhiều chuyên gia nhận định việc nạp tiền vào ví thông qua hình thức “thẻ cào” và “tiền mặt” lúc đầu tưởng như chỉ dành cho các ví nhỏ để thu hút khách hàng, hoặc tìm kiếm thị trường ngách. Nhưng qua tìm nhiều của chúng tôi, mô hình này cũng đang được hầu hết những “ông lớn” trong hoạt động ví điện tử áp dụng như: Momo, BankPlus, Ví việt, VTC pay, Wepay, Ngân lượng, Bảo Kim…

“Bùng nổ” mô hình ví điện tử tại Việt Nam

Đây là điểm khá đặc biệt của các Ví điện tử hiện nay tại Việt Nam. Bởi theo Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (Thông tư 39) của Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, tại khoản 3, điều 9 đã yêu cầu hoạt động cung ứng Ví điện tử: Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại Ngân hàng. Tức là để nạp tiền, rút tiền từ ví điện tử chỉ có thể sử dụng các nguồn tiền hợp lệ, hợp pháp từ ngân hàng chứ không thể có một hình thức nào khác.

Nhưng không hiểu sao mà thực tế có tế rất nhiều Ví điện tử không những không tuân thủ theo Thông tư 39 mà còn ngang nhiên công khai quảng cáo các dịch vụ nạp tiền từ nhiều hình thức khác không phải từ ngân hàng. Chính vì vậy mà ngày 9/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 8104/NHNN-TT, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm an toàn hoạt động, tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động trung gian thanh toán. Yêu cầu các ví điện tử thực hiện kích hoạt lại hoặc đóng toàn bộ các ví điện tử không được gắn kết với tài khoản ngân hàng và kích hoạt không đúng quy định, không nhận diện được ví điện tử.

Nhưng thực tế tại thời điểm hiện tại, hầu hết các ví điện tử vẫn không tuân thủ và tiếp tục có những hoạt động trái với quy định từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bùng nổ” mô hình ví điện tử tại Việt Nam