Phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có thể là một trong những tuyến phố có kích thước đường giao thông nhỏ nhất TP Hà Nội. Cuộc sống người dân sinh sống nơi đây ảnh hưởng rất nhiều do việc đi lại ùn tắc. Một trong những nguyên nhân theo nhiều người dân sinh sống tại đây do tình trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra phổ biến.
Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại khu vực phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì việc phải di chuyển trong phố này vào giờ tan tầm, cao điểm thực sự là một "cực hình". Chỉ cần một chiếc ô tô đi vào là có thể gây ra hiện tượng ách tắc cục bộ. Một trong những nguyên nhân dễ nhận ra là tình trạng vi phạm trật tự đô thị tràn lan tại đây.
Việc rất nhiều hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường, các phương tiện qua lại thì phải di chuyển khó khăn.
Theo chị V.T.L (Cư dân sinh sống tại phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), việc di chuyển của cả gia đình thật sự bị ảnh hưởng. Phương tiện dừng đỗ tùy tiện ở vỉa hè, lòng đường, người buôn bán thì lấn chiếm từng góc nhỏ ở vỉa hè, lòng đường. Tôi rất mệt mỏi mỗi khi phải ra đường vào giờ cao điểm, nhưng không biết xử lý kiểu gì.
“Tôi đi qua đây mỗi ngày, tôi thấy ở đây ngày nào cũng xảy ra tắc đường nhất là vào giờ chiều đi làm về hoặc buổi sáng, chỉ cần có cái ô tô nào đi vào là tắc. Tôi thấy những hàng quán vỉa hè bầy bán la liệt nơi đây, khi người dân dừng lại mua bán cũng gây nên ách tắc”, anh N.T.V (Nhân viên văn phòng khu vực phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Theo quan sát và ghi nhận của PV Báo Công lý, vào khung giờ bình thường, không phải thời điểm có nhiều phương tiện qua lại nhất thì tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ vẫn xảy ra. Tình trạng dừng đỗ xe tùy tiện, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường, cạnh các bốt điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường diễn ra công khai.
Trong năm 2024, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, với lực lượng làm nhiệm vụ tại một số địa phương còn mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, người dân có ý thức còn thấp với “chiến dịch” lập lại trật tự đô thị, cứ vắng bóng lực lượng chức năng lại tái diễn tình trạng vi phạm.
Nếu người dân vẫn tiếp tục thực hiện một cách đối phó, thì vỉa hè và lòng đường sẽ tiếp tục bị chiếm dụng, dù lực lượng chức năng có tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý. Cần coi đây là một "chiến dịch", được triển khai bài bản, bền bỉ và lâu dài, để tạo ra sự thấm dần theo thời gian, chứ không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều.
Hy vọng rằng người dân sẽ ý thức hơn, chấp hành nghiêm chỉnh hơn, và tự giác nhắc nhở những người xung quanh, từ đó mang lại một môi trường trong lành, mỹ quan đô thị dần được cải thiện. Nhờ vậy, hình ảnh Thủ đô Hà Nội không chỉ trở nên văn minh, hiện đại mà còn xanh-sạch-đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước.