Bài 3: Hiến kế “bịt lỗ hổng” về quản lý thuế thương mại điện tử

Trang Nhi| 13/06/2022 14:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Song, trên thực tế công tác quản lý hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn và cả những khoảng trống điều chỉnh của pháp luật. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với ngành thuế cần có những giải pháp pháp luật chặt chẽ và quyết liệt hơn…

Nhiều biện pháp quản lý thuế thương mại điện tử

Bộ Tài chính đã phê duyệt và ban hành đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, đối với lộ trình ngắn hạn từ nay đến hết năm 2023, ngành Thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua việc tăng cường một số giải pháp quan trọng như: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin…; đồng thời thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử.

thue-va-tmdt-giai-phap-1.jpg
Nhiều giải pháp chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử.

Đối với lộ trình dài hạn đến hết năm 2025, ngành Thuế tăng cường một số giải pháp quan trọng như: Đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong giai đoạn này, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành Thuế trong công tác nắm bắt thông tin phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng…

Vừa qua, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Thông tư quy định việc các sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế thì vấp phải phản ứng của dự luận, nên "đang tạm dừng để nghiên cứu thêm".

"Nhiều ý kiến cho rằng sàn thương mại điện tử giống như chợ, không bắt ông chủ chợ nộp được mà phải tìm từng khách hàng để bắt họ nộp. Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu nhất để thực hiện được vấn đề thu trên sàn thương mại điện tử", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XV.

Để quản lý và tránh thất thu thuế trong kinh doanh nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho biết, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thuế (thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, doanh nghiệp) đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14 và các luật thuế cùng các văn bản hướng dẫn theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Về phía địa phương, theo Cục Thuế Hà Nội, Cục tiếp tục tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa của ngành trong công tác quản lý thuế như: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử...

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới và môi trường mạng xã hội. Doanh nghiệp ở nước ngoài khi bán hàng qua biên giới sẽ trực tiếp kê khai thuế tại cổng này, đồng thời thực hiện nộp thuế từ ngày 21/3. Còn ở trong nước cũng đã có kết nối cơ sở dữ liệu của thuế với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an để lấy mã định danh dân cư làm mã định danh thuế.

Chuyên gia hiến kế

Theo TS. Vũ Xuân Dũng (Trường đại học Thương mại), việc rà soát các trang web, tìm kiếm và phân tích các giao dịch thương mại điện tử bất thường của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện dấu vết gian lận, vi phạm thuế mới được thực hiện một cách đơn giản, chủ yếu dựa trên các thao tác của cán bộ thuế. Ngành thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch thương mại điện tử có gian lận, vi phạm thuế.

thue-va-tmdt-giai-phap-2.jpg
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý thuế TMĐT.

“Cơ quan thuế các cấp cần thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức thuế”, ông Dũng đề xuất.

Cùng chung quan điểm, PGS-TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) đề nghị, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Cụ thể, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý đối với thương mại điện tử.

“Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số”, ông Trường nói.

Trong khi đó, với kinh nghiệm 5 năm kinh doanh từ các sàn TMĐT nước ngoài như Amazon và EBay, ông Phan Đình Tuấn, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu linh kiện máy tính, cho biết: Ở các sàn quốc tế, phần thuế sẽ do khách hàng chi trả. Cụ thể, một sản phẩm khi mua sẽ được thể hiện rõ ràng phần thuế phải chi trả là bao nhiêu, trên mỗi hóa đơn mua hàng. Phần thuế này sẽ được các sàn TMĐT giữ lại để thanh toán cho cơ quan thuế. Ngoài ra, khách hàng trên các sàn TMĐT nước ngoài thường chi trả gần như 100% bằng thẻ, do đó việc theo dõi thuế rất đơn giản và rõ ràng.

“Với những trường hợp khách hàng thanh toán bằng tiền mặt thì người mua phải đến tận kho để lấy hàng, khiến họ e ngại và thường thanh toán bằng thẻ để thuận tiện trong vấn đề giao nhận hàng hóa. Đây cũng là một cách giúp việc quản lý thuế trở nên đơn giản và hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM kiến nghị với Chính phủ, cần siết chặt hơn nữa các luồng hàng thông qua các sàn thương mại điện tử. “Cục thuế đồng thời kiến nghị thành phố, chính phủ siết chặt việc thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định định đối với việc mua bán trên sàn thương mại điện tử phải thanh toán qua ngân hàng, có như vậy cục thuế mới kiểm soát được dòng tiền và có thể thực hiện các việc liên quan đến nghĩa vụ thuế”, ông Duy Minh đề xuất.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng phải lấy hóa đơn để vừa đảm bảo quyền lợi của bản thân, vừa tránh thất thu thuế.

Trao đổi với báo Công lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty Luật SBLaw nêu ý kiến: Hình thức kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, xuyên biên giới, phát triển nhanh đòi hỏi cơ chế chính sách, công tác quản lý phải theo kịp được sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử.

luat-su-ha.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc công ty Luật SBLaw

Vấn đề thất thu thuế từ TMĐT sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp trong việc thu và quản lý thuế. Vì vậy, nghành thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động này trên quy mô lớn đặc biệt ở các điểm nóng và các trường hợp nhạy cảm để từ đó tạo tính răn đe trong xã hội...

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng bộ phận thu thuế chuyên ngành có chuyên môn cao về nghiệp vụ cũng như công nghệ thông tin để hỗ trợ truy vết, phân tích, tổng hợp, ngăn chặn các lỗ hổng về thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đặc biệt hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm thu thuế thương mại điện tử được hiệu quả trong đó cần quan tâm đến vấn đề bắt buộc đăng ký thuế và khai thuế tại Việt Nam của nhà mạng xuyên biên giới không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Hiến kế “bịt lỗ hổng” về quản lý thuế thương mại điện tử