7bec1bc9-f012-413c-818f-f12692261bce.png

Khu Hồi sức cấp cứu với tiếng máy thở, máy monitor theo dõi dấu hiệu sự sống. Bên kia bức tường ngăn cách phòng bệnh, sinh mệnh của những bệnh nhân khác cũng đang được các bác sĩ giành giật với tử thần.

Cuộc họp căng thẳng cũng vừa kết thúc giữa lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với các y bác sĩ, các phòng, ban chuyên môn. Các y bác sĩ đang kiểm tra lại lần cuối những bệnh nhân nguy kịch để chuẩn bị cho ê-kíp làm việc đêm kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 21h đêm tới 7h sáng hôm sau.

2(1).png

Tiếng “tèn ten ten” phát ra từ chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân vang vọng. Những bước chân vội vã, liên tục thăm khám, đặt ống thở, kiểm tra sinh hiệu cho bệnh nhân. Những y lệnh ngắn gọn, dứt khoát. Cả những dòng mồ hôi ướt nhòe dòng chữ trên đồ bảo hộ...

Gần 0h, tiếng chuông cửa lại vang lên, một bệnh nhân nặng vừa được chuyển từ khoa Cấp cứu đến. Các bác sĩ, điều dưỡng lại cấp tập sắp xếp giường bệnh, lắp đặt ống thở, chuẩn bị thuốc men, giúp bệnh nhân hô hấp.

13.jpg
24.jpeg

Nửa đêm, không khí tĩnh mịch bao trùm khi một bệnh nhân 85 tuổi có nhiều bệnh nền đã vĩnh viễn ra đi. Nhân viên y tế thực hiện quy trình xử lý nghiêm ngặt đối với ca bệnh tử vong, không để lây lan virus ra bên ngoài, rồi chuyển đi làm thủ tục, báo về cho gia đình. 

Một cơ thể mới ấm nóng hôm nào giờ lạnh tanh trước mặt trong cô độc, không một người thân đến đưa tiễn khiến y bác sĩ không cầm được nước mắt...

3h sáng, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM nhận được cuộc gọi của một đồng nghiệp.

Cuộc gọi khẩn thiết với đề nghị những bác sĩ hàng đầu hội chẩn can thiệp ECMO cho chị C.N.L.Đ. (31 tuổi), hiện đang mang thai 31 tuần không may mắc Covid-19 rất nguy kịch, phải thở máy tại Bệnh viện Trưng Vương.

Qua trao đổi chớp nhoáng, ê-kíp các bác sĩ Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đang phụ trách Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã nhanh chóng có mặt, phối hợp cùng Khoa Sản - Bệnh viện Trưng Vương, Khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM mổ cứu thai nhi và tiến hành đặt ECMO cho người mẹ.

Sau ca mổ, bé trai nặng 2kg được đưa về Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp tục theo dõi sức khỏe, người mẹ được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực 2A Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Sau 1 tuần được can thiệp bằng kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu tích cực, bệnh nhân và cũng là bác sĩ Đ. đã được cai máy thở, rút nội khí quản và cai ECMO thành công.

Khi một bệnh nhân tỉnh thức sau cơn mê, được chuyển loại và chuyển tầng, cảm xúc chung của họ chỉ đơn giản là khóc như một đứa trẻ. Bao nhiêu đau đớn thể xác và khốn khổ tinh thần theo tuyến lệ mà chảy đi hết, những nhọc nhằn của y bác sĩ cũng trôi theo dòng nước mắt...

"Nhiều bệnh nhân sau khi hôn mê và phải thở máy, đến lúc tỉnh dậy nhiều người bật khóc khi nghĩ về cơ hội sống của mình. Chúng tôi dù thức trắng đêm, mệt mỏi nhưng chỉ cần giành giật được mạng sống cho người bệnh, nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân là lại có động lực tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên, nhiều khi cũng cảm thấy bất lực, vì nhiều trường hợp bệnh nền quá nặng, tuổi già sức yếu cùng với việc mắc Covid-19, chúng tôi không thể đưa họ vượt qua cửa tử được", bác sĩ Linh ngậm ngùi chia sẻ.

3.png

BSCK2 Trần Thanh Linh được biết đến biệt danh là "bác sĩ 91" sau khi cứu sống bệnh nhân phi công người Anh (BN91). Anh cũng có mặt chi viện ở những "điểm nóng" như Đà Nẵng, Gia Lai, Kiên Giang... Tuy nhiên, theo bác sĩ Linh áp lực điều trị bệnh nhân trước đó không là gì so với thực tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM hiện nay.

Bác sĩ Trần Thanh Linh coi đây là "trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng".

Hằng ngày, "bác sĩ 91" liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, yêu cầu y bác sĩ bổ sung, thay đổi phương thức điều trị linh hoạt. Có những ca bác sĩ Linh đánh giá "tình hình này khá tốt, chiều nay có thể rút máy thở, cho thở oxy dòng cao, bệnh nhân này còn trẻ, mới 28 tuổi"

40.png

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là bệnh viện có quy mô 1.000 giường bệnh, trong đó 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch, 900 giường cho bệnh nhân độ nặng.

Áp lực điều trị và lo lắng cứu sống cho các bệnh nhân, tóc bác sĩ Linh bạc nhiều hơn và trông anh cũng già hơn trước.

"Chúng tôi không biết hôm nay là thứ mấy cũng không biết đến ngày cuối tuần. Bởi vì ngày nào cũng như ngày đó. Hôm qua tôi cũng làm như vậy, hôm nay tôi cũng làm như vậy. Những tin nhắn hay động viên của người thân, gia đình còn không có thời gian để đọc bởi vì những bệnh nhân khác vẫn đang đứng xếp hàng", bác sĩ Linh kể về những ngày tháng chiến đấu trong bệnh viện.

4.png

Trong một căn phòng với đầy đủ các máy móc hiện đại, tiếng tít tít vang lên đều đặn khô khốc. Những bệnh nhân rung cả thân thể lên để thở, có người nằm mê man. Những tràng ho liên tục vang lên với thứ âm thanh ám ảnh.

Một bệnh nhân khi nhìn thấy bác sĩ Linh đến khẽ thều thào: "Bác sĩ ơi, tôi không muốn chết! Bác sĩ cứu tôi!". Câu nói cứ lặp đi lặp lại khiến bầu không khí chùng xuống, anh điềm tĩnh vỗ về động viên cho bệnh nhân yên tâm.

17.jpg

Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bước ra khỏi khu cách ly khi quần áo ướt đẫm mồ hôi, đôi tay lằn đỏ bởi lực siết của găng tay y tế, PGS.TS Lê Minh Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thở phào vì vừa cấp cứu thành công một ca bệnh nguy kịch. 

"Thai phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Thai nhi 29 tuần đã vĩnh viễn không thể chào đời. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu ca này. Lúc đó, chỉ nghĩ cứu nhân đạo là chính, vì không ai dám nói ra sự vô vọng có thật", bác sĩ Khôi cho hay.

Người bệnh nặng đầu tiên tại Trung tâm đã được cứu sống ngay trên "lằn ranh sinh tử".

Các bác sĩ hối hả giữa đêm, hội chẩn liên tục để níu chút hy vọng mong manh. Như một mầm sống thôi thúc từ bên trong sản phụ, các chức năng sống dần dần hồi phục.

"Chúng tôi đã nghĩ, cô ấy không thể qua khỏi. Đây là kỳ tích đầu tiên chúng tôi lập được. Tuần qua đã có 21/101 người bệnh được điều trị và đưa về tuyến dưới. Con số tuy khiêm tốn, nhưng là động lực lớn lúc này"

PGS.TS Lê Minh Khôi

41.jpeg

TP.HCM vốn ồn ào náo nhiệt suốt đêm ngày, nay bỗng nhiên trở nên vắng lặng chìm trong đau thương mất mát bởi đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội gần 4 tháng qua.

Các bệnh viện tiếp nhận, điều trị Covid-19 giờ đây đang chìm trong không khí buồn bã, bác sĩ đứng trước những nỗi lo bệnh nhân đang giữa "lằn ranh sinh tử". Các nhân việc y tế quay cuồng suốt ngày đêm, vắt kiệt sức mình với hy vọng cứu bệnh nhân, nhưng những nỗi đau vẫn chưa dừng lại.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai gần như luôn có mặt trong buồng cấp cứu. Anh là một trong những y bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Và khi TP.HCM bùng phát dịch thì anh lại lên đường tham gia điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19.

43.png

"Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải, rồi mất ở bên kia màn hình… Thế rồi, nó ngừng lại, không ồn ào, ông bác tổn thương phổi chưa đến nỗi nặng, ngồi co ro bên giường bàng hoàng nhìn sang phía đối diện, nơi các bóng áo trắng đang hì hục ép tim, rồi khóc.

Khóc vì nỗi ám ảnh liệu rằng mình có phải nằm ở vị trí đó hay không?

Khóc vì nỗi cô đơn không có người thân nào ở bên cạnh lúc này.

Và khóc thương cho một số phận kém may mắn đã không còn chống chịu được nữa".

Bác sĩ Hùng cũng như bao bác sĩ tuyến đầu khác đều thấu hiểu nỗi đau khi những bệnh nhân nằm đó. Không có người thân, không có người chăm sóc, rồi đến khi bệnh quá nặng, lìa xa cuộc đời, chỉ có những điều dưỡng, nhân viên y tế thay người nhà làm nốt những phần việc còn lại…

Đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết. Dù là ai đi chăng nữa, trái tim có sắt đá đến bao nhiêu cũng có lúc yếu mềm. Thầy thuốc cần vững vàng để làm chỗ dựa cho bệnh nhân giúp họ vượt qua bạo bệnh. Mỗi khi mệt mỏi, họ lại nhìn vào phòng cấp cứu để vượt qua. Bởi ở đó bao sự sống đang cần mình, từng giây, từng phút...

5.png

Không giấu những giọt nước mắt đang rơi, bà Lê Thị Tuyết (quận Bình Tân) chia sẻ, khi mắc bệnh, bà được đưa vào Bệnh viện quận Bình Tân. Rồi bà vẫn liên tục sốt cao, không thở được, Bệnh viện quận Bình Tân chuyển thẳng bà lên Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khi bà đã trong tình trạng nguy kịch. Những ngày nằm tại khoa ICU là những ngày bà chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của các y bác sĩ.

Ngày bà nhận được tin được ra viện, bà khóc như đứa trẻ rồi nói: "Tôi đã được hồi sinh. Chỉ còn biết cảm ơn, cảm tạ các y bác sĩ".

11.png

Ngày 3/9, làm việc với Tổ công tác Bộ Y tế, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết nơi này hiện có gần 800 giường bệnh được sử dụng. Trong đó, gần 200 bệnh nhân Covid-19 phải thở máy. Thiết bị y tế, bao gồm những máy móc hiện đại nhất, cùng lực lượng tinh nhuệ được Bộ Y tế và nhiều cơ sở liên tục đưa vào để xuyên ngày đêm cứu các bệnh nhân nặng.

Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhiều ca bệnh khó đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Điển hình là một số bệnh nhân cao tuổi, hay sản phụ có nhiều bệnh nền. Đa số người bệnh được chuyển đến đều trong tình trạng diễn biến xấu.

22.png
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa và bác sĩ Trần Thanh Linh thăm hỏi những người khỏi bệnh được xuất viện.

Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các bệnh nhân được điều trị khỏi và làm thủ tục cho xuất viện. Những người khỏi bệnh được xe đưa về tận nhà. Những người cao tuổi hay gặp khó khăn trong đi lại được nhân viên y tế dìu đỡ, túc trực bên cạnh, đưa về tận tình.

Chúng tôi cũng dặn dò bệnh nhân về nhà theo dõi thêm sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể lực để dần trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước kia", bác sĩ Linh nói thêm.

12.png

Nội dung: Thảo Nguyên - Anh Sơn
Trình bày: Thảo Nguyên

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tuyến đầu: Mồ hôi, sức khỏe cùng nhiều đêm thức trắng để đổi lại nụ cười của bệnh nhân