q1.1.png

Chi viện cho tâm dịch TP.HCM, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi đến vùng đất mới, lực lượng quân y đã nhanh chóng bắt tay vào việc khám, cấp cứu F0 tại nhà.

5.png

Trong lá đơn tình nguyện viết ngày 9/8/2021 gửi Thường vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị, Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Đình Nam - Quân y công tác tại Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Quảng Trị) viết: “Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, là cán bộ, đảng viên, nhân viên quân y, với tinh thần tình nguyện tôi viết đơn xin tham gia Đội cơ động phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước”.

nu-hoc-vien-cao-thi-lan-tranh-thu-luu-giu-khoanh-khac-truoc-gio-len-duong-de-gui-cho-bo-me-o-que.jpeg
Nữ học viên Cao Thị Lân tranh thủ lưu giữ khoảnh khắc trước giờ lên đường để gửi cho bố mẹ ở quê.

Trong đoàn cán bộ, bác sĩ, học viên Học viện Quân y tăng cường phòng, chống dịch cho TP.HCM, nữ học viên Cao Thị Lân (22 tuổi) cũng chia sẻ, cả lớp với hơn 100 học viên đã hăng hái lên đường chống dịch đợt này. Các học viên đã được các thầy cô tập huấn rất kỹ, để có thể thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến hay các nhiệm vụ khác.

“Cách đây ít lâu, các anh chị khóa trên xung phong đi vào tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp bước họ, tôi tự nguyện đăng ký vào Nam để góp sức cho cộng đồng”, Cao Thị Lân tâm sự.

Luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết cùng lời thề Hippocrates thiêng liêng của ngành y, Thượng tá Lê Thị Nga (học viên năm thứ 2 hệ sau đại học, công tác tại Viện Y học cổ truyền Quân đội) đã gửi gắm các con cho ông bà chăm sóc, xung phong nhận nhiệm vụ tăng cường lực lượng phòng chống dịch Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

Chị chia sẻ, rất mong muốn tiếp cận gần nhất các bệnh F0 để giúp họ khỏi bệnh. “Trong tình hình miền Nam đang dịch bệnh căng thẳng, là một quân nhân tôi thấy mình vinh dự khi đứng trong đội ngũ quân y tham gia cùng với ngành y tế đẩy lùi Covid-19”, Thượng tá Nga khẳng định.

Đại úy Nguyễn Đình Nam, Thượng tá Lê Thị Nga, học viên Cao Thị Lân, chỉ là 3 trong hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ toàn quân tham gia cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Mong muốn của các anh chị là được “chia lửa” với các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam vượt qua mọi hiểm nguy của dịch bệnh.

7.jpeg
Hàng nghìn chiến sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa... lên đường vào miền Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao độ.
5.jpeg
Tinh thần quyết tâm chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ bà con.

Tại lễ xuất quân ngày 21/8, Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y đã bày tỏ: Dịch bệnh có không ít bệnh nhân mắc Covid-19 bị tác động về tâm lý, vì thế đòi hỏi y bác sĩ phải có tinh thần trách nhiệm và cả tình thương yêu cao hơn khi tiếp xúc với bà con. 

“Sứ mệnh lớn nhất của chúng ta không phải ngay lập tức chữa được bệnh mà là an ủi và chia sẻ với những đau thương, mất mát, bệnh tật, khổ đau của người bệnh. Đó chính là tình thương "lương y như từ mẫu" như Bác Hồ dạy”, Trung tướng Đỗ Quyết gửi gắm thêm.

q6.png
6.png

TP.HCM thực hiện chiến lược xét nghiệm bóc tách F0, nhiều mẫu test nhanh được phát hiện dương tính đồng nghĩa số ca F0 cần khám bệnh, chăm sóc, cấp cứu càng nhiều. Từ khi nhận nhiệm vụ, lực lượng quân y tỏa đi khắp nơi với nhiều nhiệm vụ, trong đó có thăm khám và cấp cứu F0 trong thời gian TP thực hiện siết chặt giãn cách xã hội.

Đến thời điểm này, quân đội đã tổ chức 10 bệnh viện dã chiến, hơn 451 tổ quân y với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y; chuyển đổi công năng Bệnh viện đa khoa quân dân y Miền Đông thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, thành lập trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng tại Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện 7A, Quân khu 7.

Vừa đặt chân đến thành phố mang tên Bác, ngay lập tức, bác sĩ Đào Huy Hiếu (học viên sau đại học Học viện Quân y) cùng 2 cộng sự là sinh viên năm thứ 5 Học viện Quân y được phân công về phường 12, quận Tân Bình (TP.HCM) phụ trách Trạm y tế lưu động tại trụ sở sinh hoạt khu phố 3 phường 12). Đây là là địa bàn có gần 39.000 dân, với 120 ca F0 cách ly tại nhà đang cần được chăm sóc.

15.jpeg
Các bác sĩ quân y đến từng ngõ, hẻm, vào tận nơi điều trị cho các F0.

Tới địa bàn nhận nhiệm vụ, ngồi chưa ấm chỗ, thân nhân 1 ca F0 mời bác sĩ Trạm y tế lưu động đến xem bệnh, đồng thời đề nghị test nhanh Covid-19 cho 8 thành viên trong gia đình.

Bất ngờ, kết quả test cho ra thêm 5 ca F0 khác không triệu chứng. Trấn an bệnh nhân, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà, bác sĩ Hiếu kê toa thuốc cho F0 và trở về Trạm y tế lưu động.

Buổi làm việc thứ 2, Thiếu tá Vũ Tiến Vũ - Học viện Quân y đang trực tại Trạm y tế lưu động số 1 (phường 6, quận Tân Bình) thì điện thoại cá nhân kêu liên tục, đầu dây bên kia giọng hốt hoảng của người nhà bệnh nhân: “Bác sĩ ơi, mẹ tôi bỗng dưng khó thở, người run lên bần bật, bác sĩ qua giúp tôi với”. Thiếu tá Vũ gọi thêm một bác sĩ của Trạm y tế phường 6, một tình nguyện viên rồi tức tốc đến nhà bệnh nhân.

Tại căn nhà trên đường Bắc Hải (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM), bà V.T.R. (75 tuổi) đang khó thở nhiều, co kéo các cơ hô hấp phụ, nguy kịch, đội khám lập tức đo SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch), chỉ số hiện lên là 56%.

q7.png
Bà R. có bệnh nền là tăng huyết áp và tim mạch, đến nhà bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành đo huyết áp trước khi cho bà đi cấp cứu

Thiếu tá Vũ yêu cầu người nhà đỡ bà R. nằm sấp xuống giường, sau đó đo lại SpO2 là 70%. Lập tức chuyển bình oxy từ trạm y tế lưu động xuống nhà để bà R. thở oxy tại chỗ, SpO2 đã cải thiện một ít, lên 77%, nhưng vẫn trong tình trạng khó thở.

Đội khám đã liên hệ hai nhánh cấp cứu là 115 và đội khám chữa bệnh lưu động của quận Tân Bình, đội nào đến trước thì chuyển bà đi ngay. Bên cạnh đó, đội khám cũng tiến hành test nhanh Covid-19 cho bà R., kết quả dương tính SARS-CoV-2, bà R. có bệnh nền cao huyết áp và tim mạch.

Toàn bộ quy trình từ lúc tiếp cận cho đến khi bệnh nhân được đưa lên xe cấp cứu diễn ra trong chưa đầy 30 phút. Mọi thao tác đòi hỏi phải rất nhanh chóng và chính xác. Bác sĩ tự bảo đảm tất cả các khâu sơ cứu ban đầu. Chỉ đến khi người bệnh an toàn và được bàn giao cho xe cứu thương mới tạm hoàn thành. 

q15.png
7.png

Ngày 31/8, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, cùng đoàn công tác đi kiểm tra điều kiện ăn ở và làm việc của lực lượng quân y, bộ binh tăng cường cho TP.HCM.

Báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, đại diện các phường tại Bình Thạnh cho biết hệ thống trạm xá lưu động do cán bộ chiến sĩ Học viện Quân y thiết lập đang hoạt động rất hiệu quả.

q9.png

Trong chuyến thị sát, việc trao đổi với các tổ y tế lưu động thường xuyên bị cắt ngang bởi tiếng điện thoại. Các y bác sĩ Học viện Quân y thường xuyên phải đi cấp cứu F0. Mỗi ngày, họ nhận 50-100 cuộc điện thoại của người dân nhờ tư vấn y tế và xin cấp cứu.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng đoàn công tác Học viện Quân y tại TP.HCM, sau hơn 10 ngày chi viện, toàn đoàn đã chăm sóc y tế cho hàng chục nghìn F0 đang cách ly, điều trị tại nhà cũng như xét nghiệm phát hiện hàng nghìn ca nhiễm mới tại thành phố.

q8.png

Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đi từng ngõ, gõ từng nhà, đồng hành với từng F0 vượt qua dịch bệnh, tại TP.HCM, đoàn chia thành 451 tổ quân y cơ động, sau đó từng tổ nhận nhiệm vụ tại các địa phương, cùng thành lập hơn 400 trạm y tế lưu động. Tùy theo từng quận, huyện và mật độ F0 mà số lượng trạm lưu động khác nhau.

Nhân sự các trạm này có thể được huy động từ nhiều nguồn, hoặc chỉ có lực lượng quân y. Theo điều hành của từng địa phương, trạm trưởng trạm lưu động có thể bác sĩ quân y, hoặc nhân viên y tế sở tại.

“Người dân, nhất là các F0 bày tỏ sự hoan nghênh và vui mừng khi được nhân viên y tế và quân y chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Chúng tôi đang nỗ lực, kỳ vọng các trạm lưu động sẽ góp phần giúp mọi người dân được tiếp cận với y tế, từ đó phát hiện sớm ca bệnh, giảm tỷ lệ trở nặng và tử vong, hướng tới dập dịch sớm”, Đại tá Tuấn nói.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lính quân y trên mặt trận không tiếng súng