Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

Phương Nam| 16/07/2020 06:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa án nước xét đơn yêu cầu sẽ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN, trừ trường hợp có căn cứ để từ chối công nhận theo quy định của pháp luật nước mình.

Nguyên tắc có đi có lại là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được Tòa án một số nước áp dụng khi xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài (TANN) trong trường hợp giữa nước có thẩm quyền xét đơn yêu cầu với nước ngoài đó chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau.

Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài

Ảnh minh họa

Theo thông lệ chung, nguyên tắc có đi có lại được hiểu và áp dụng như sau:

Khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANNtrong trường hợp hai nước chưa từng công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau, Tòa án nước xét đơn yêu cầu vẫn tin tưởng rằng giữa nước mình và nước ngoài đó đang tồn tại mối quan hệ có đi có lại trong lĩnh vực này mà không đòi hỏi TANN đó sẽ công nhận bản án, quyết định dân sự của nước mình để làm căn cứ chứng minh về sự tồn tại của mối quan hệ nêu trên.

Trường hợp giữa hai nước đã có tiền lệ xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau, Tòa án nước xét đơn yêu cầucũngtin tưởng rằng giữa hai nước đang tồn tại quan hệ có đi có lại, nếu không có căn cứ xét thấy bản án, quyết định của Tòa án nước mình đã bị Tòa án nước kia từ chối công nhận với lý do giữa hai nước không tồn tại mối quan hệ này hoặc bị áp dụng nguyên tắc có đi có lại để không công nhận.

Vì vậy, trong cả hai trường hợp nêu trên, Tòa án nước xét đơn yêu cầu sẽ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN, trừ trường hợp có căn cứ để từ chối công nhậntheo quy định của pháp luật nước mình.

Trên tinh thần đó, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại để không công nhận bản án, quyết định của TANN có thể được Tòa án xét đơn yêu cầu thực hiện trong một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Cụ thể là các trường hợp sau: Tòa án xét thấy trước đó bản án, quyết định của Tòa án nước mình không được TANN công nhận với lý do giữa hai nước không tồn tại mối quan hệ này hoặc bị TANN áp dụng nguyên tắc có đi có lại để không công nhận.

Trong quá trình nêu trên, người yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN không có nghĩa vụ chứng minh về sự tồn tại mối quan hệ có đi có lại giữa hai nước thông qua việc cung cấp chứng cứ xác định TANN đó đã từng hoặc sẽ công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước đang giải quyết đơn yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, nếu người phản đối việc công nhận bản án, quyết định của TANN dựa trên lý do giữa hai nước không tồn tại mối quan hệ có đi có lại hoặc dựa trên lý do trước đó TANN đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại để từ chối công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước xét đơn yêu cầu, thì người này phải cung cấp chứng cứ để chứng minh.

Thông lệ quốc tế nêu trên đã được nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 423 BLTTDS. Theo đó, bên cạnh việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, TAVN còn xem xét công nhận và cho thi hành cả bản án, quyết định của TANN khác theo nguyên tắc có đi có lại. Điều này có nghĩa rằng TAVN không áp dụng nguyên tắc có đi có lại để xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN theo từng trường hợp cụ thể như quy định tại BLTTDS năm 2004 mà áp dụng nguyên tắc này như là một chính sách chung để phục vụ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2015 – thời điểm BLTTDS mới thay thế BLTTDS năm 2004 được Quốc hội ban hành, Việt Nam đã ký kết, gia nhập 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thiết lập khu vực thương mại tự do với các đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, Niu-di-lân và Chi lê và các nước thuộc khối ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước năm 1980 của Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - Công ước mà hầu hết các nước là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như: các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po...đều đã gia nhập. Đối với Tòa án Việt Nam (TAVN), Công ước này có vai trò hết sức quan trọng vì TAVN có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng cũng như xem xét công nhận và cho thi hành bản án của TANN đối với tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này.

(Còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài