Sáng nay 31/12, TANDTC tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ cho TAND các tỉnh phía Bắc. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn chủ trì hội nghị.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên án lệ được quy định trong Luật Tổ chức TAND và triển khai trong thực tiễn. Án lệ có tác dụng đối với hoạt động xét xử của Tòa án và cộng đồng xã hội.
Mặc dù vụ việc của Tòa án ngày càng tăng nhanh về số lượng và tính chất phức tạp nhưng nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng, chưa được quy định cụ thể, chậm hướng dẫn, dẫn đến những cách hiểu chưa thống nhất. Như ở Bắc Ninh, nhiều bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nhất là án hành chính, kinh doanh, thương mại, dân sự, do quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Còn ở Hà Nội, có những vụ án chia thừa kế kéo dài đến lúc người yêu cầu chia thừa kế chết vẫn chưa được hưởng thừa kế. Khi một người yêu cầu chia thừa kế chết lại làm phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ của những người khác (là con cháu) cũng vì quy định pháp luật… nên nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết bằng án lệ.
Toàn cảnh hội nghị
Đại diện các Tòa án cho rằng, trước đây tình trạng phúc thẩm y án nhưng giám đốc thẩm hủy án là bình thường, phổ biến ở địa phương, nên mong rằng có án lệ chuẩn mực, rõ ràng để Tòa án địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng khác, luật sư và người dân nghiên cứu, tham khảo. Và để đạt được yêu cầu này, án lệ sẽ đảm bảo thống nhất đường lối xét xử đối với các vụ án tương tự nhau, giảm tình trạng quá tải cho Tòa án và tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động xét xử, công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án. Với vai trò quan trọng như vậy, án lệ phải được ban hành theo quy trình chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, không tạo thêm vướng mắc cho hoạt động xét xử.
Theo các Thẩm phán, án lệ không chỉ phục vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư mà còn để người dân tham khảo khi quyết định có tiến hành các vụ kiện hay không thì cũng góp phần giảm tải công việc cho Tòa án. Do đó, Hội đồng Thẩm phán phải “cô đọng” lại bản án thành các vấn đề án lệ để án lệ dễ hiểu, dễ áp dụng. Vì nếu Thẩm phán cũng không dò ra được thì người dân không hiểu được án lệ.
Ông Chu Xuân Minh, Thẩm phán TANDTC cũng nhận định: Vấn đề là triển khai, theo kinh nghiệm của Australia, không cần ban hành án lệ mà chỉ cần đánh dấu những án lệ trong bản án và thông tin được những vấn đề án lệ đó để các địa phương có thể áp dụng. Nhiều vấn đề đã áp dụng lâu này mà chưa quy định bằng văn bản có thể đưa vào án lệ như xử lý vấn đề tài sản chung của vợ chồng đối với những người kết hôn trước năm 1987 (trước khi có quy định về tài sản chung vợ chồng).
Ông Nguyễn Văn Cường, Chánh Tòa hành chính TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng thông tin để tất cả người dân, luật sư biết về án lệ, án lệ phải đi đến được với người dân, chứ không chỉ phục vụ cho cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu đọc án lệ, người dân biết được kết quả thì sẽ cân nhắc việc kiện hay không.
TS.Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC cũng đề nghị: Áp dụng án lệ để giải quyết kịp thời, chính xác các vụ án nhưng không nên dùng án lệ thay cho luật. Nên phải xác định rõ khi nào áp dụng án lệ và như thế nào là án lệ. Nhưng hệ thống pháp luật “không bao giờ hoàn chỉnh”, khoảng trống không bao giờ lấp lại được vì luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhưng cuộc sống, các quan hệ xã hội luôn nảy sinh những vấn đề mới không lường hết được. Án lệ dùng trong trường hợp luật chưa quy định hoặc đã quy định nhưng nhận thức về vấn đề khác nhau. Do đó án lệ phải là chuẩn mực, điển hình và có lý. Một vụ việc được giải quyết trong một vụ án phải là một chỉnh thể thống nhất, không thể cắt đoạn. Án lệ không phải để giải thích quy phạm pháp luật mà chỉ giải quyết những vụ việc có cùng tình tiết pháp lý, không thể có sự kiện pháp lý như nhau.