Tp. Hồ Chí Minh: Dùng “sổ đỏ” giả để vay tiền thật

congly.com.vn| 13/04/2012 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tin ở bạn bè, người cho mượn tiền không kiểm tra “sổ đỏ” thế chấp. Đến hạn trả tiền, con nợ “lặn mất tăm”, chủ nợ nghi ngờ xuống địa phương có đất để xác minh thì mới tá hỏa: Cuốn “sổ đỏ” kia... có vấn đề!


Lấy lý do cần tiền gấp để “chồng tiền” đất, bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1965) trú số 465/2/11 đường Trần Xuân Soạn, Tân Kiểng, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh dẫn bà Nguyễn Thị Diễm Thúy (SN 1978) thường trú 34/1 khu phố 2, phường Phú Thuận, quận 7 đến gặp bà Đỗ Thị Thu Tâm trú phường Tân Kiểng, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh vay tiền. Để tạo niềm tin, bà Hà và bà Thúy đã thế chấp 3 “sổ đỏ” vay 120 triệu đồng, trong đó có một giấy chủ quyền đất mang tên Mai Chí Linh, kèm theo hợp đồng chuyển nhượng giữa Mai Chí Linh và bà Nguyễn Thị Diễm Thúy.


Nể nang chỗ bạn bè, bà Tâm có cho bà Thúy vay 50 triệu đồng trong thời hạn 2 tháng và nhận thế chấp “sổ đỏ” mang tên Mai Chí Linh trên. Đến hạn trả nợ, bà Tâm gọi điện thì bà Thúy tắt máy. Bà Tâm tìm đến nhà thì bà Thúy né tránh không gặp.


Nghi ngờ, bà Tâm mới mang “sổ đỏ” xuống UBND xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè để xác minh thửa đất. Khi trình “sổ đỏ” mang tên Mai Chí Linh cho UBND xã Phước Lộc để hỏi thăm thửa đất, bà Tâm mới té ngửa là “sổ đỏ” này có vấn đề. Theo nghi ngờ của UBND xã Phước Lộc, “sổ đỏ” mà bà Tâm nhận thế chấp có thể là sổ giả. Do đó, UBND xã Phước Lộc đã lập biên bản tiến hành tạm giữ “sổ đỏ” để báo cáo cho Công an huyện Nhà Bè điều tra làm rõ.


Vừa qua, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp. Hồ Chí Minh có kết luận: Giám định hình dấu tròn “UBND huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh” và chữ ký đứng tên “Phan Thanh Sơn” được làm giả bằng phương pháp in phun màu.


Bà Tâm cho biết thêm, bà chỉ là một trong những nạn nhân bị lừa đảo trong đường dây làm giả “sổ đỏ” đi lừa đảo bằng cách thế chấp “sổ đỏ… giả” để vay tiền thật. Rất có thể hiện nay vẫn còn tồn tại không ít “sổ đỏ” đóng “con dấu” của cơ quan Nhà nước bằng công nghệ in phun màu đang được một số đối tượng đem thế chấp để vay tiền. Phương thức tuy không phải là mới nhưng qua câu chuyện này, bà Tâm muốn gửi tới những ai khi nhận thế chấp “sổ đỏ”: Hãy kiểm tra kỹ càng, tránh bị “sập bẫy” không đáng có.


Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh: Dùng “sổ đỏ” giả để vay tiền thật