Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cúi gập người, khóc nức nở, liên tục xin lỗi các bị hại. Tuy nhiên, dù có thật sự hối lỗi, Hằng vẫn phải nhận bản án thích đáng cho sự coi thường pháp luật và ảo vọng làm giàu bất chính của.
Ngày 6/3, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hằng, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Hằng kinh doanh bất động sản và làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Với vẻ ngoài xinh đẹp, giàu có, Hằng chơi xe sang trị giá gần 4 tỷ đồng để đánh bóng, tự xưng là nhân viên ngân hàng, “nổ” có quan hệ rộng, quen biết nhiều người có địa vị trong xã hội, có khả năng mua bán nhà đất, tài sản phát mãi ngân hàng, dịch vụ đáo hạn ngân hàng đem lại lợi nhuận cao.
Từ đó, Hằng huy động được hàng trăm tỷ đồng của nhiều người góp vốn kinh doanh hoặc cho vay. Thời gian đầu, Hằng chuyển tiền lợi nhuận đầy đủ và đúng hẹn, được nhiều người tin tưởng góp vốn đầu tư. Có người tin Hằng đến mức sẵn sàng cầm cố tài sản, rủ thêm người thân đưa tiền để Hằng kinh doanh. Số tiền mỗi người hùn hạp, cho Hằng vay từ vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.
Đến năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc làm ăn của Hằng gặp khó khăn, dẫn đến thua lỗ, không có tiền trả gốc, lãi và lợi nhuận cho những người đã góp vốn. Một thời gian sau, Hằng không còn “gồng” nổi tiền nợ và lãi nên bị nạn nhân gửi đơn tố cáo tới Công an.
Từ ngày 1/3/2021 đến 10/1/2022, Hằng chiếm đoạt tài sản của 16 bị hại với tổng số tiền gần 574 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Ngày 15/1/2022, Hằng đến Công an tỉnh Hà Tĩnh đầu thú. Ngoài 16 bị hại nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhận được đơn của nhiều người khác tố giác Hằng lừa đảo chiếm đoạt tiền đã vay.
Qua tranh tụng, đại diện VKSND tỉnh nhận định Hằng không có nghề nghiệp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 16 bị hại nhiều lần, có tính chất chuyên nghiệp. Các bị hại đề nghị HĐXX làm rõ tiền Hằng chiếm đoạt đã dùng vào những việc gì.
Hằng khai nhận: “Bị cáo dùng để trả tiền gốc và tiền lãi cho các bị hại. Một phần dùng đáo hạn ngân hàng và đầu tư kinh doanh đất nhưng thua lỗ”. Hằng tỏ vẻ ân hận, cúi đầu khóc nghẹn.
Qua các tài liệu, chứng cứ cho thấy phần lớn số tiền chiếm đoạt, Hằng dùng để trả tiền góp vốn, lãi, lợi nhuận xoay vòng cho các bị hại. Sau đó, Hằng tiếp tục huy động các bị hại góp vốn vào việc làm ăn mới. Các bị hại đã tin tưởng và sử dụng chính số tiền Hằng trả lại và tiền cá nhân để tiếp tục góp vốn với Hằng nhiều lần.
Bên cạnh đó, Hằng dùng một phần số tiền này vào việc tiêu xài cá nhân như mua xe ô tô, trang sức... Cơ quan CSĐT không có cơ sở để xác định số tiền Hằng chiếm đoạt được của các bị hại đã chuyển trả nợ cho ai, vào thời gian nào, số tiền bao nhiêu...
Mặc dù Hằng thành khẩn khai báo, có thiện chí phối hợp với bị hại và Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả nhưng số tiền cơ quan Công an tạm giữ của bị cáo chỉ còn khoảng 1,2 tỷ đồng. Suốt phiên tòa, Hằng liên tục khóc, xin lỗi các bị hại và chấp nhận số tiền các bị hại cáo buộc Hằng chiếm đoạt.
Qua xem xét tài liệu, hồ sơ và tranh tụng công khai, HĐXX tuyên phạt Hằng mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để răn đe và phòng ngừa chung, buộc Hằng có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại, trả số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.