Ai chịu trách nhiệm khi đưa chương trình không đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy đại trà?

Trang Việt| 30/06/2019 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều phụ huynh cho rằng, một chương trình không rõ nguồn gốc xuất xứ, tài liệu học tập nhiều lỗi như I learn Maths thì không đủ tiêu chuẩn để đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Báo Công lý nhận được phản ánh của một số phụ huynh học sinh trên địa bàn TP Hà Nội về việc một số Trường tiểu học và Trung học cơ sở đang triển khai chương trình dạy Tiếng Anh thông qua bộ môn Toán.

Sau khi nhận được phản ánh, PV đã vào cuộc tìm hiểu và được biết, ngày 22/9/2017, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Công văn số 3188/SGDĐT-GDPT, cho phép Cty CP giáo dục Gmaths triển khai thí điểm chương trình bổ trợ làm quen với thuật ngữ toán bằng tiếng Anh đối với bộ tài liệu “Phát triển năng lực toán tiếng Anh” (I learn Maths) tại các trường tiểu học và trường trung học cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội.

Công văn số 3188 nêu rõ, các hoạt động theo đề án không được làm ảnh hưởng tới chương trình chính khoá theo quy định. Tuy nhiên, một số trường lại đưa chương trình vào thời lượng chính khóa, như tại Trường tiểu học Lý Thái Tổ, thể hiện trên thời khóa biểu của học sinh lớp 1A6 đang học 2 tiết toán tiếng Anh vào sáng thứ 3 hàng tuần, lấn vào thời gian học chính khoá. Ở lứa tuổi lớp 1, khi mà tiếng Việt còn chưa thông thạo, việc đưa vào chương trình dạy chính thức 2 tiết toán tiếng Anh/tuần, liệu có quá áp lực cho các em?

Ai chịu trách nhiệm khi đưa chương trình không đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy đại trà?

Thời khóa biểu của học sinh lớp 1A6 trường Tiểu học Lý Thái Tổ đang học 2 tiết toán tiếng Anh vào sáng thứ 3 hàng tuần

Cũng trong công văn số 3188, chương trình I learn Maths không có thời hạn thí điểm giảng dạy chương trình, hay tổng kết đánh giá hiệu quả mà chỉ cần “Các trường dạy thí điểm báo cáo kết quả năm học về Sở GD&ĐT chậm nhất vào 15/6 hàng năm. Nếu chương trình được đánh giá tốt, hiệu quả sẽ được tiếp tục triển khai trong những năm học tiếp theo”. Tuy nhiên “Sở GD&ĐT sẽ đình chỉ việc triển khai chương trình khi Ban giám hiệu trường hoặc Công ty CP giáo dục Gmaths không thực hiện nghiêm túc yêu cầu trên”.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Công ty CP giáo dục Gmaths đã không bỏ phí thời gian, triển khai rộng rãi chương trình tới nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngày 27/6/2019, PV Báo Công lý đã liên hệ làm việc với Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), qua trao đổi bà Vũ Hồng Loan, Phó trưởng phòng cho biết: “Hiện trên địa bàn quận nhiều trường cũng đang triển khai chương trình này, như trường Tiểu học Nguyễn Quý Đức, Tiểu học Đại Mỗ, Tiểu học Phương Canh, THCS Phú Đô.... Về kinh phí thì đơn vị thu mỗi học sinh 100.000đ (một trăm nghìn đồng) trên một bộ tài liệu cho một năm học".

Không thể phủ nhận lợi ích của chương trình dạy Tiếng Anh thông qua bộ môn Toán. Qua chương trình, học sinh được làm quen với các thuật ngữ Toán bằng tiếng Anh để mở rộng thêm vốn từ vựng, cách nói, cách viết một bài toán, một phép tính bằng tiếng Anh nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho học sinh lên cấp học cao hơn có thể học song ngữ. Nhưng để đạt được kết quả như kỳ vọng không phải chương trình nào cũng đủ tiêu chuẩn để đưa vào áp dụng.

Ai chịu trách nhiệm khi đưa chương trình không đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy đại trà?

Ai chịu trách nhiệm khi đưa chương trình không đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy đại trà?

Cuốn sách có nhiều lỗi cẩu thả

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, chương trình tiếng Anh Gmaths với bộ tài liệu I learn Maths không đủ tiêu chuẩn để đưa vào giảng dạy. Và thực tế chương trình này đang bị nhiều phụ huynh học sinh tại một số trường trên địa bàn TP Hà Nội nghi ngờ về tính hiệu quả, bộ tài liệu giảng dạy đang có dấu hiệu in lậu, bán tràn lan, nội dung không được kiểm soát.

Trang đầu của cuốn sách I learn Maths ghi rõ “sản phẩm của chương trình dạy toán song ngữ Gmaths”. Chịu trách nhiệm nội dung biên soạn bộ tài liệu này là Ths. Thái Thị Thanh Hoa, Tổ phó toán tin Hà Nội-Amsterdam và Ths. Dương Thu Trang, The University of west Georgria.

Cầm trên tay tài liệu của chương trình, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra những lỗi sơ đẳng, như cuốn sách này không ghi giấy phép xuất bản, do đó nhiều phụ huynh đặt nghi vấn cuốn sách của Cty CP giáo dục Gmaths do một số cá nhân tự biên soạn, đưa vào dạy cho hàng nghìn học sinh này của chương trình là sách lậu.

Hơn nữa, chưa cần bàn về chất lượng nội dung, kiến thức của cuốn sách mà cũng ngay trang đầu, có rất nhiều lỗi chính tả cho thấy sự cẩu thả trong in ấn và xuất bản.

Lỗi là vậy, nhưng thực tế chương trình tiếng Anh Gmaths với bộ tài liệu I learn Maths đang được triển khai đại trà ở nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội. Câu hỏi được đặt ra, vì lợi ích hay năng lực quản lý kém mà Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng Giáo dục một số quận và Hiệu trưởng một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa  bàn TP Hà Nội lại “dễ dàng” chấp nhận đưa vào áp dụng giảng dạy đại trà một cuốn sách như vậy?.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực xuất bản cho biết, một cuốn sách hay tài liệu tham khảo đủ tiêu chuẩn xuất bản, lưu hành ra thị trường phải đảm bảo được các quy định, cụ thể như: thông tin như Nhà xuất bản, người chịu trách nhiệm xuất bản, số đăng ký xuất bản, quyết định xuất bản. Ngoài ra, với những tài liệu được coi là chương trình thí điểm phải ghi rõ tài liệu thí điểm kèm theo mã số cho tài liệu đó.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai chịu trách nhiệm khi đưa chương trình không đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy đại trà?