Đời sống

93 năm tiếp nối hào khí quê hương Xô viết anh hùng

Hải Yến - Hà Thúy 08/09/2023 - 06:48

Hưng Nguyên - Nghệ An một vùng quê ven thành phố, địa danh ghi dấu ấn cuộc cách mạng lịch sử ngày 12/9/1930 của hàng vạn nông dân, làm nên nét son trong trang sử vàng của dân tộc. 93 năm qua, từ một vùng quê nghèo, huyện Hưng Nguyên đang vượt khó vươn lên, khởi sắc từng ngày.

Vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Mặc dù bị giặc Pháp đàn áp đẫm máu, nhưng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt. Đây được coi là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng ta chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công trong cả nước.

Tại Hưng Nguyên, đến nay vẫn còn nhiều di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện trọng đại của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh như di tích nhà cụ Hoàng Viện ở xã Châu Nhân từng được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm địa điểm hội họp và nuôi giấu cán bộ trong những năm đầu có Đảng.

Phía sau nhà có cửa thông ra núi và một căn hầm bí mật làm nơi in ấn tài liệu và thoát thân của các đồng chí cách mạng khi bị địch truy lùng. Tại đây, các tờ báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, tháng 10 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.

Ngôi nhà nằm ven đê Tả Lam, xã Long Xá - được sáp nhập từ hai xã Hưng Xá và Hưng Long cũ. Con sông Lam uốn khúc và cây cầu Yên Xuân bề thế nối đôi bờ làm nên diện mạo mới bình yên và trù phú của một làng quê ven sông.

Xã Long Xá cũng là địa danh gắn với phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và là quê hương của nhiều cán bộ cách mạng thời kỳ đầu của Hưng Nguyên và Nghệ An như đồng chí Lê Xuân Đào, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân.

Tại cổng tam quan làng Phù Xá (xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) khi đoàn người với khí thế sục sôi từ các nơi đổ về trong phong trào 93 năm về trước, chị Nguyễn Thị Phia, một trong những đảng viên đầu tiên của Hưng Nguyên đã đứng lên diễn thuyết vạch mặt bọn thực dân phong kiến, tuyên truyền quần chúng đi theo Đảng.

que_huong_xo_viet_anh_hung_1.jpg
Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh trong giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị khánh thành vào dịp 12/9.

Cũng tại xã Long Xá còn có di tích Đền Xuân Hòa, nơi tập kết lực lượng đầu tiên của cuộc cách mạng lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, 3 giờ sáng ngày 12/9 từ Đền Xuân Hòa, nhân dân ba tổng Phù Long, Thông Lạng, Nam Kinh tập kết đông đủ, mang theo gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ búa liềm tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khí thế cách mạng của hàng vạn nông dân khiến kẻ địch vô cùng hoang mang, khiếp sợ. Giờ đây, Đền Xuân Hòa đã được đầu tư nâng cấp, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

Chuyển mình khởi sắc từng ngày

Trong sự phát triển hôm nay người dân không bao giờ quên quá khứ hào hùng của cao trào cách mạng 93 năm về trước. Khu di tích Xô Viết Nghệ - Tĩnh luôn được coi là biểu tượng thiêng liêng của Hưng Nguyên. Một biểu tượng cho tinh thần bất khuất, ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước của những người nông dân áo vải. Ngày nay di tích đang được đầu tư mở rộng nâng cấp để tri ân sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú năm xưa.

Tiếp bước hào khí cao trào 30-31, 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngọn lửa Xô viết luôn thắp sáng trong tâm hồn người dân Hưng Nguyên. Sau gần gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Hưng Nguyên đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ. Từ một vùng quê thuần nông, Hưng Nguyên đang chuyển mình đi lên khởi sắc từng ngày.

que_huong_xo_viet_anh_hung_2.jpg
Di tích đền Xuân Hòa, nơi tập kết lực lượng đầu tiên của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Mỗi năm, Hưng Nguyên xây dựng được 20-30 cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Cùng với đó là chú trọng triển khai các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng rau hữu cơ, sản xuất rau quả nhà lưới, vườn chuẩn nông thôn mới (NTM), hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Điều (xã Hưng Trung) đang đi đầu xây dựng mô hình vườn mẫu nông thôn mới. Hiện vườn cam của ông có giống cam quý Xã Đoài với gần 100 gốc. Từ mô hình này, huyện Hưng Nguyên đang tiếp tục nhân rộng vườn mẫu NTM gắn với phát triển các giống cây trồng có giá trị hàng hóa. Đến nay, có 18/18 xã, thị trấn đăng ký xây dựng 121 vườn mẫu, vườn chuẩn NTM và đã được công nhận 32 vườn chuẩn NTM.

Bên cạnh sản xuất, ngành chăn nuôi được cũng được huyện Hưng Nguyên xác định là mũi nhọn trong nông nghiệp. Đến thời điểm này toàn huyện đã có hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi. Huyện quan tâm cơ chế kích cầu cho người dân như hỗ trợ vốn, giống, chuyển giao khoa học công nghệ.

que_huong_xo_viet_anh_hung_3.jpg
Ngày nay, bà con nhân dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Lê Quốc Tân (ở xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã mạnh dạn nhận thầu 7,2 ha ruộng sản xuất kém hiệu quả, đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 6 dãy chuồng kép kín với công nghệ hiện đại để chăn nuôi lợn. Với quy mô 150-162 con lợn nái sinh sản vừa để chủ động con giống vừa phục vụ chăn nuôi lợn thịt, mỗi năm trại chăn nuôi của anh xuất chuồng 324 tấn lợn hơi và thương phẩm các loại, thu về gần 16 tỷ đồng.

Hướng tới trở thành đô thị vệ tinh TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên đang chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã có gần 400 doanh nghiệp, 3.000 hộ kinh doanh cùng với mạng lưới chợ nông thôn rộng khắp thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu hàng hoá.

Hiện nay, huyện Hưng Nguyên đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021-2030. Hưng Nguyên dự kiến hình thành 3 vùng và mỗi vùng có chức năng phát triển tập trung khác nhau. Vùng phía Bắc tập trung phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Vùng trung tâm được coi là vùng động lực phát triển tổng hợp. Vùng phía Nam tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp.

que_huong_xo_viet_anh_hung_4.jpg
Dự án ViSip đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại huyện Hưng Nguyên.

Đặc biệt những năm gần đây, một số dự án trọng điểm đang được xây dựng tại Hưng Nguyên. Riêng khu công nghiệp VSIP đã có 30 dự án đầu tư, trong đó có 14 nhà đầu tư FDI, 16 nhà đầu tư trong nước. Hiện có 20 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng và 7 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Lợi ích đầu tiên và thiết thực nhất VSIP mang lại cho người dân là giải quyết việc làm cho hơn 22.600 lao động.

Một bước đột phá làm nên diện mạo mới của huyện Hưng Nguyên đó là phong trào xây dựng NTM. Đến nay, Hưng Nguyên có 17/17 xã NTM. Huyện Hưng Nguyên đang phấn đấu về đích huyện NTM vào cuối năm 2023.

Tiếp bước hào khí phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, huyện Hưng Nguyên giờ đây đang vươn mình mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết sẽ là điểm tựa giúp người dân Hưng Nguyên tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, phát triển đi lên và trở thành vùng quê đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
93 năm tiếp nối hào khí quê hương Xô viết anh hùng