75 năm qua, thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, cách làm hay, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Những ngày này, từng cán bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên lại trào dâng tình cảm nhớ thương Bác Hồ, nhớ giọng trầm ấm dặn dò khi Người về thăm quê hương và dâng hương tượng đài 12/9 tại Hưng Nguyên năm 1961. Trong niềm vui hân hoan kỷ niệm 75 năm thi đua ái quốc, với lòng thành kính, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Nguyên luôn khắc sâu những lời căn dặn cũng như sự chỉ bảo ân cần của Bác qua mỗi lần Người về thăm. Đó là niềm tin, động lực tinh thần vô giá để nhân dân Hưng Nguyên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế như niềm tin và sự mong mỏi của Người.
Nhớ lại cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Người khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Kể từ đó, tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, tổ chức nhiều phong trào cách mạng rộng lớn, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hưng Nguyên đã hăng hái, đi đầu trong thực hiện.
Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, đã trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tháng 6 này, chúng tôi có dịp trở lại xã Châu Nhân - Hưng Nguyên (Nghệ An), có dịp gặp ông Hoa Xuân Tứ - một người nông dân chất phác, đôn hậu đã từng được gặp Bác Hồ năm 1966.
Bồi hồi xúc động nhớ về Bác Hồ kính yêu, ông Hoa Xuân Tứ kể lại: Năm 1966, ông chỉ là một thanh thiếu nhi 16 tuổi được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc, Đại hội năm đó to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm đó chỉ có 6 thiếu nhi được tham dự. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong đời ông Hoa Xuân Tứ được gặp Bác Hồ.
Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng người, rồi phát kẹo nữa. ông Hoa Xuân Tứ vẫn nhớ như in hành động Bác đặt tay lên vai ông rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và công tác tốt. Các cháu là những mầm non của đất nước, các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.
Khắc ghi những lời căn dặn của Bác, người nông dân bị cụt hai tay Hoa Xuân Tứ đã coi đó là động lực để cố gắng mỗi khi vấp váp, hay cảm thấy mình đuối sức trước gánh nặng cơm áo gạo tiền. Ông Hoa Xuân Tứ chia sẻ: Cho đến bây giờ nhớ lại lời Bác dạy mới thấy thấm thía từng câu, vì thế tôi luôn bảo ban, giáo dục con cháu phải ra sức học tập, có nhiều cống hiến cho quê hương.
Trong thời kỳ đổi mới, khắc ghi lời dạy của Bác, qua các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Nguyên cùng với cả nước đã đoàn kết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, sau những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện Hưng Nguyên đã đề ra những chủ trương đúng đắn, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đưa Hưng Nguyên từng bước phấn đấu vươn lên và đạt được những kết quả quan trọng.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhất là trong nông nghiệp; kết cấu hạ tầng cơ sở được tăng cường, đồng bộ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; một số mô hình tiên tiến được duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả. Văn hóa xã hội phát triển theo hướng chuẩn hóa và Xã hội hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Điều đáng nói, trong phát triển kinh tế, Hưng Nguyên đã có những chương trình đột phá, đi đầu và tiêu biểu như: Đưa giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực; Các mô hình trang trại phát triển mạnh mẽ.
Trang trại chăn nuôi của anh Lê Quốc Tân - Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi lợn và thủy sản xã Hưng Nghĩa là điển hình. Anh là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ VI (giai đoạn 2017 - 2022) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Với diện tích 7 ha, mô hình trang trại tổng hợp của anh Lê Quốc Tân (xã Hưng Nghĩa - Hưng Nguyên) thường xuyên có từ 800 - 1.000 con lợn thịt với sản lượng xuất bán 360 tấn thịt lợn/năm; 162 con lợn nái sinh sản gần 4.500 con lợn giống, trong đó vừa để tái đàn vừa xuất bán ra thị trường. Hàng năm, gia đình anh thu hoạch từ ao nuôi cá trên 10 tấn, tiêu thụ và cung ứng mỗi năm trên 800 tấn thức ăn chăn nuôi đảm bảo an toàn không có chất cấm; doanh thu bình quân hàng năm khoảng 18 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí đạt từ 3 đến 4 tỷ đồng.
Anh Lê Quốc Tân chia sẻ: Thực hiện phong trào thi đua ái quốc, làm theo lời dạy của Bác, gia đình tôi đã đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi lợn, mô hình cũng cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Sắp tới gia đình tôi có ý định mở rộng chăn nuôi lớn hơn, như cá lăng, cá basa.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được trên 45 cánh đồng mẫu lớn. Hằng năm, diện tích gieo cấy giống lúa lai chiếm 65 - 70% . Trong năm 2022, Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 7.676 tỷ đồng bằng 107,7%KH, bằng 119,43% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,7%, vượt kế hoạch đề ra 9-10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15,7%, công nghiệp-xây dựng chiếm 51,2%, dịch vụ chiếm 33,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt gần 1.297 tỷ đồng, đạt 138,1% so dự toán Hội đồng nhân dân huyện giao. Tổng sản lượng lương thực đạt 56.588 tấn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.292 tấn.
Riêng khu công nghiệp Vsip đã có 37 nhà đầu tư thuê đất với diện tích 227,44ha/tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê 263,23 ha. Đã có 32 dự án được cấp phép đầu tư (23 dự án đã đi vào hoạt động; 4 dự án đang xây dựng, các dự án còn lại đang làm thủ tục), tổng vốn đầu tư đăng ký 17.118 tỷ đồng (tương đương 743,6 triệu USD), có 18 nhà đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 681,06 triệu USD, từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Thụy Điển; hiện có 13.574 lao động đang làm việc tại khu công nghiệp.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được chăm lo và tạo chuyển biến tích cực, nhất là giáo dục, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội. Chỉ tính riêng quý 1, năm 2023, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tổng giá trị sản xuất toàn ngành (giá so sánh 2010) ước đạt 2.101 tỷ đồng, bằng 22,8% Kế hoạch, bằng 120,9% so với cùng kỳ. Tốc độ phát triển kinh tế ước đạt 16,4% kế hoạch, năm 2023 được giao 15- 16%. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chú trọng. Trên địa bàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sản xuất công nghiệp quý 1 ước đạt 1.067 tỷ đồng, bằng 24,19 % kế hoạch.
Những ngày tháng này, về Hưng Nguyên, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy là các hoạt động thi đua lao động sản xuất, văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra rất sôi nổi. Trong ánh nắng chói chang, dọc theo những con đường nhựa, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp. Trên các nẻo đường, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, các con đường liên xã đều hiện lên một diện mạo mới của một vùng quê Anh hùng.
Bên cạnh đó, cùng với chú trọng chỉ đạo hiệu quả nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hưng Nguyên thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng làng, thôn, xóm, đơn vị, gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ gia đình chính sách..., được nhân dân hưởng ứng, phấn khởi tham gia, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
Đến nay, toàn huyện có 126/126 xóm, khối có nhà văn hoá, trong đó có nhiều nhà văn hoá đạt và vượt chuẩn; Việc xây dựng quy ước, hương ước được quan tâm triển khai rộng khắp trên các địa bàn dân cư. Toàn huyện có 100% xóm, khối có quy ước, hương ước, số gia đình văn hóa đạt gần 86 %.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện đã trở thành phong trào xã hội rộng lớn, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia. Đảng bộ liên tục đạt Đảng bộ TSVM, liên tục nhiều năm liền được Tỉnh ủy đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Đây là những phần thưởng to lớn, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên và cũng là kết quả của cả quá trình 75 năm Hưng Nguyên thực hiện tốt lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người.
75 năm, thực hiện Lời kêu gọi "Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Những thành quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hưng Nguyên là những bó hoa tươi thắm dâng lên Bác Hồ kính yêu, nguyện một lòng tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng – Quê hương Xô Viết. Và những gì Hưng Nguyên đã và đang làm theo lời dạy của Bác là nền tảng vững chắc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, góp phần cùng Nghệ An trở thành tỉnh gương mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.