Chính trị

Lời kêu gọi thi đua ái quốc - một văn kiện lịch sử vô giá

Tuyết Nhung (thực hiện) 12/06/2023 08:27

Trải qua 75 năm, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên những ý nghĩa và tầm quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức thì tinh thần cách mạng vĩ đại của Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn được duy trì và phát triển. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Đại học Quốc gia.

PV: Thưa Giáo sư, chúng ta đang kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải ngắn đối với sự phát triển của một đất nước. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giáo sư có thể chia sẻ với độc giả về tầm quan trọng của "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" với sự phát triển của đất nước trong những năm qua?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Trở lại lịch sử 75 năm về trước, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động trong bối cảnh lịch sử lúc đó chúng ta đang dồn toàn sức để giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng nhìn rộng ra trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, chúng ta hiểu rằng Lời kêu gọi thi đua ái quốc là làm sao để mỗi người dân không phân biệt già trẻ, trai gái, không phân biệt tầng lớp xã hội đã làm việc là phải làm việc hết sức mình, vì sự nghiệp cách mạng, vì những lợi ích của đất nước và đó chính là cội nguồn, sức mạnh, là động lực để mọi người có thể phụng sự một cách tốt nhất cho công việc chung.

Theo tôi, ý nghĩa Lời kêu gọi của Bác vào năm 1948 vẫn còn nguyên giá trị, nó còn có ý nghĩa thôi thúc chúng ta vươn lên trong kỷ nguyên mới, khi mà chúng ta hướng tới xây dựng một đất nước hùng cường, đưa dân tộc đi tới xã hội phồn vinh.

kui(1).jpg

PV: Xây dựng và phát triển đất nước trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Vậy theo Giáo sư, vai trò của tinh thần thi đua ái quốc ở từng giai đoạn đó là gì?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Thi đua là làm sao phát huy hết những khả năng của mình để hoàn thành tốt công việc. Trong giai đoạn chiến tranh, nội dung của thi đua là để diệt giặc, làm sao để chúng ta lập nhiều chiến công. Cho nên những hội nghị anh hùng, chiến sĩ thi đua ở thời chiến chủ yếu là để vinh phong các chiến sĩ có chiến công. Khẩu hiệu nêu ra thời chiến tranh là thi đua diệt quân thù. Trong thời bình, nội dung thi đua lại bao trùm những lĩnh vực liên quan tới lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống.

Nếu có những lúc đan xen, các khẩu hiệu thi đua lại biểu hiện rất toàn diện. Ví dụ như cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh phong trào “3 sẵn sàng” (tức là lên đường để chiến đấu) còn có phong trào “3 đảm đang”. Tất cả những phong trào đó thực chất là những nội dung của các cuộc thi đua trong hoàn cảnh lịch sử mới, do đó có thể nói rằng có những sợi chỉ xuyên suốt cho tinh thần thi đua yêu nước.

thay-vu-minh-giang(2).jpg

Nội dung của thi đua có sự khác biệt do tính chất của mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đòi hỏi người lãnh đạo, người phát động phong trào thi đua cũng như người tham gia phải hiểu được tính chất chung, phát huy tinh thần yêu nước.

PV: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và chính trị. Vậy theo Giáo sư, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh thế giới hiện nay?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Như tôi đã nói, mỗi giai đoạn phong trào thi đua không chỉ khác nhau về nội dung, mà còn khác nhau về điều kiện. Như bây giờ, chúng ta đang sống trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh, cho nên mỗi sự kiện, mỗi tấm gương tiêu biểu, thì cả nước và thậm chí cả thế giới có thể biết. Vì vậy, việc tuyên truyền dễ dàng hơn trước, tuy nhiên cũng nhạy cảm và phức tạp hơn. Khi một sự kiện, một biến cố trong thời gian ngắn có tính lan tỏa rất cao ngay ở trong nước và nước ngoài. Như vậy, biên giới quốc gia bây giờ không thể ngăn cản được sự lan tỏa của thông tin, do vậy chúng ta làm bất cứ việc gì trong tổ chức thi đua cũng phải tính đến khi ta đã hội nhập rất sâu với thế giới. Đó không còn là chuyện nội bộ của một nước mà phải tính đến việc sự ảnh hưởng quốc tế như thế nào.

PV: Các giá trị cốt lõi về tình yêu đất nước, đoàn kết và cách mạng vẫn luôn được giữ nguyên trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trong thời đại mới đã có thêm nhiều vấn đề mới như sự hiểu biết về kinh tế, công nghệ, về sự đa dạng văn hóa và bảo vệ môi trường. Theo Giáo sư, những điều này được thể hiện như thế nào trong thời gian vừa qua?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Nếu quay trở lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948, chúng ta thấy có hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Một là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động tinh thần hứng khởi cho toàn dân tộc, là tính toàn dân trong sự nghiệp cách mạng, bất cứ là giai đoạn nào. Cho nên thi đua yêu nước là nói tới tính quần chúng.

Thứ hai là về tinh thần yêu nước. Điều này thì người Việt Nam có một sức mạnh vô biên. Một sức mạnh mà ở đó không ai có thể chiến thắng nổi. Vô biên vì khai thác đến chừng nào vẫn có thể được, phát huy đến mức cao độ nào cũng không thay đổi theo thời gian.

Nhưng chủ nghĩa yêu nước trong bối cảnh hiện nay đã được cụ thể hóa trong bối cảnh mới. Giờ đây, yêu nước không phải chỉ là xả thân để bảo vệ Tổ quốc như thời kỳ chiến tranh, mà phải làm sao để bảo vệ danh dự quốc gia, làm sao để lan tỏa uy tín của đất nước. Cứ nói làm rất giỏi ở đâu đó, nhưng làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, thì rõ ràng là có biểu hiện rất kém trong ý thức đối với quốc gia, với tinh thần yêu nước. Ngược lại, nếu làm việc gì đó đúng, làm cho người ta hiểu tốt hơn, đúng hơn và uy tín quốc gia lên cao hơn, thì phải coi đó là những thành tựu rất lớn trong thi đua với tinh thần là yêu nước.

thiu.jpg

PV: “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thay đổi như thế nào trong thời gian qua, để vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vừa phát triển kinh tế của Việt Nam với thế giới, nhưng vẫn bảo vệ được nền độc lập, tự chủ và những bản sắc riêng biệt của chúng ta, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đây là một vấn đề đòi hỏi sự linh hoạt và tài tình của những người lãnh đạo. Bởi vì lợi ích dân tộc, nếu xử lý không khéo, không ở một cái tầm cao, thì rất dễ xung đột với lợi ích quốc gia của người khác và thậm chí ảnh hưởng đến những môi trường hòa bình toàn cầu. Khi một sự việc xử lý không đúng, sẽ dẫn tới những tai hại khôn lường. Vì vậy, để làm tốt chủ nghĩa yêu nước thì luôn luôn phải tính đến mối tương quan với quá trình hội nhập sâu của đất nước. Đối với thế giới, giữa quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, cách tốt nhất là lấy lợi ích dân tộc làm trung tâm, làm tối thượng.

Có một câu rất hay: “Độc lập trong thời đại ngày nay là cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc”. Không có ai mà không phụ thuộc nhau, kể cả cường quốc họ cũng phải phụ thuộc vào người khác. Cho nên người giỏi là người sẽ cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc. Việt Nam chúng ta cũng đang đi trên con đường như vậy. Xuất phát từ lợi ích dân tộc nhưng đã cân bằng các mối quan hệ phụ thuộc để người khác phải cần đến mình, người khác phải phụ thuộc vào mình, chứ không phải để cho mình phụ thuộc vào bất cứ điều gì.

PV: Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, tinh thần thi đua ái quốc có thể đóng góp vào việc đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đó là vấn đề lớn hiện nay, nhưng đôi khi có những người nhìn không đúng. Họ cho rằng thi đua bây giờ là hình thức và cái đích là người ta làm sao để có hiệu quả trong kinh tế, cho từng doanh nghiệp, cho từng lĩnh vực. Điều đó đúng, nhưng không có sự căn chỉnh thì nó sẽ dẫn tới khiếm khuyết rất lớn, nhất là đối với cá nhân.

Ví dụ bây giờ người ta cho rằng, thi đua làm giàu, tức là tôi càng có nhiều tiền, tôi có thể đạt được rất nhiều những mục đích của mình. Tuy nhiên họ quên mất rằng, nếu như say sưa kiếm tiền bằng mọi giá mà không biết rằng cuộc sống không phải chỉ là sự giàu có về mặt vật chất, về mặt tiền bạc mà còn là sự giàu có trong quan hệ xã hội. Giàu có, trong trí định, tri thức và đặc biệt là duy trì được ý thức đối với quốc gia, đối với dân tộc thì đó mới là một con người hoàn chỉnh.

Trong bối cảnh mới hiện nay, tất cả mọi người, không kể ai, từ người có chức vụ rất cao cho đến người dân, phải nhớ một điều cốt lõi là: Mình là ai, sống trong một quốc gia nào, thuộc về dân tộc nào, một nền văn hóa nào và phải giữ được cái bản sắc của văn hóa ấy, đồng thời cũng duy trì ngọn lửa yêu nước nồng nàn như cha ông ta đã chuyển lại. Có như vậy sự vươn lên để làm giàu sẽ được hài hòa trong tất cả các mối quan hệ. Và tôi nghĩ, nếu ai cũng nghĩ được như thế thì đất nước chắc chắn sẽ phồn vinh.

PV: Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư có thể chia sẻ với thế hệ trẻ bây giờ những điều gì để họ có thể duy trì, phát triển được truyền thống tốt đẹp của cha ông ta?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi có hơi khác với một số người là bày tỏ sự lo lắng với những gì thế hệ trẻ đang thể hiện như người trẻ lo về vật chất nhiều quá, không dành thời gian để tu dưỡng, rèn luyện say mê, chỉ tập trung vào game hay Facebook v.v…. Tôi lại có quan niệm thế hệ trẻ nào cũng là tương lai của một dân tộc. Mình không tin vào thế hệ trẻ, tức là mình không tin vào tương lai của dân tộc. Như trước đây, thế hệ chúng tôi khi còn tuổi trẻ cũng nghe những lời đại khái là như thế, nhưng cuối cùng cũng trở thành một thế hệ trưởng thành.

Do đó đối với thế hệ trẻ, tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều. Chúng ta thuộc về dân tộc Việt Nam, mà rất nhiều thế hệ ông cha chúng ta đã làm nên những kỳ tích phi thường, những thế hệ trẻ tiếp theo truyền thống ấy. Dù bối cảnh bây giờ đã khác, hoàn cảnh cũng không giống như trước, nhưng nếu nung nấu trong mình một ý thức rằng sẽ đuổi kịp và sánh vai với các cường quốc năm châu bằng chính đôi chân của mình, có khả năng biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh thì lúc đó chúng ta sẽ không chỉ là kế thừa một cách xứng đáng, mà còn là phát triển cao hơn những gì mà cha ông ta để lại.

PV: Xin cảm ơn GS.TSKH Vũ Minh Giang về những chia sẻ trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời kêu gọi thi đua ái quốc - một văn kiện lịch sử vô giá