Xã hội

50 cá nhân tiêu biểu sẽ được vinh danh 'Gương sáng Pháp luật' năm 2023

Bùi Anh 28/09/2023 09:00

Hội đồng bình chọn Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” sẽ lựa chọn 50 Gương sáng đại diện cho các lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương để Vinh danh nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm nay.

tc.jpg
Toàn cảnh cuộc họp lần thứ nhất Hội đồng bình chọn Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2023.

Ngày 27/9, tại trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam đã diễn ra cuộc họp lần thứ nhất Hội đồng bình chọn Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2023.

Năm 2021, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án Bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng Pháp luật). Thực hiện Đề án này, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm 2021, Ban Tổ chức đã tiến hành lựa chọn, tôn vinh 50 cá nhân tiêu biểu trong cả nước (lần 1).

Tiếp nối thành công và ý nghĩa của Chương trình Bình chọn, tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2021, năm nay, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát động Chương trình Bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (lần 2).

1(1).jpg
Bà Vũ Hồng Thúy - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bình chọn nhấn mạnh, cuộc họp nhằm bình chọn các Gương sáng Pháp luật bảo đảm theo đúng Quy chế của Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2023.

Việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật cũng nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật bằng việc tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, nhân vật điển hình trong việc thực hiện pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Với mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, sự quyết tâm của Ban Tổ chức, sự ủng hộ của các ban, ngành, địa phương, Chương trình bình chọn tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” 2023 đã diễn ra thành công. Trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình bình chọn, các ban, bộ, ngành, địa phương đã gửi văn bản giới thiệu các tấm gương của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã khai thác, phản ánh thông tin về nhân vật với nhiều hình thức truyền thông sinh động.

Đội ngũ phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tại trụ sở chính và các cơ quan, văn phòng đại diện trải dài từ Hà Giang địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau đã dày công nghiên cứu hồ sơ các nhân vật, lặn lội đến tận địa bàn làm việc, sinh sống của những tấm gương để tác nghiệp.

Đến nay, đã có 150 nhân vật đã được lựa chọn và đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam. Các nhân vật đa dạng về lĩnh vực công tác, tuổi tác, vị trí, đại diện cho 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành. Dự kiến, Hội đồng sẽ lựa chọn 50 Gương sáng đại diện cho các lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương để Vinh danh nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay.

Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, trong số các gương sáng được phản ánh năm nay, có rất nhiều tấm gương điển hình, truyền cảm hứng như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 4/1945 đến năm 1997 thì về hưu nhưng hơn 20 năm nay, hầu như năm nào ông cũng về lại chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội và tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sĩ trong chiến trường Tây Nguyên. Ông không chỉ giúp các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin mà còn là “kho” tư liệu quý, là “bảo tàng sống” về chiến trường Tây Nguyên. Ông cũng chính là tác giả của “nguyên tắc hòa giải” trong Bộ luật Dân sự năm 1995 khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội…

Một vị tướng khác cũng nhận được nhiều biểu dương của độc giả Báo Pháp luật Việt Nam là Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an. Ông là người có nhiều đóng góp vào thành công của 2 dự án trọng điểm là: Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (ngày 11/3/2020) và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (ngày 3/9/2020). Khi những công việc quan trọng của 2 dự án đã qua giai đoạn “nước rút”, theo yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên được điều động về giữ chức vụ Cục trưởng V03, làm nhiệm vụ đứng đầu cơ quan chủ trì, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an xây dựng nhiều dự án luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.

Một nhân vật, là nữ, rất điển hình là Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ngày 30/10/2017, chị được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước sang Nam Sudan làm nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình, Liên Hợp quốc. Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ nhưng là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên. Theo quyết định, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Phái bộ Gìn giữ hòa bình, Liên Hợp quốc với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự. Tháng 5/2022, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga lại lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Nam Sudan trong cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số cấp 2 số 4. Với những cống hiến trong công tác, chị đã nhận được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2019; Bằng khen Bộ Quốc phòng năm 2019; Bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Bằng khen Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2022 và nhiều lần được Liên Hợp quốc tặng thưởng Huy chương.

Tại cuộc họp lần thứ nhất Hội đồng bình chọn Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2023, các thành viên Hội đồng đã sôi nổi đóng góp ý kiến quý báu để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trong công tác triển khai Chương trình.

3(1).jpeg
Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đánh giá rất cao tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của Chương trình hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đề nghị khâu tuyển chọn các tấm gương cần có tính bao quát rộng hơn; tăng cường những cá nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số, giới luật sư… Đồng thời, có hình thức tổ chức Chương trình tạo được sự lan tỏa sâu rộng, truyền cảm hứng hơn nữa nhằm khuyến khích các nhân vật sẵn sàng “mở lòng” khi được phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp cận; mở rộng thêm số lượng thành viên Hội đồng để nâng cao chất lượng đánh giá, bình chọn.

4.jpeg
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh biểu dương nỗ lực của tập thể Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tổ chức, triển khai Chương trình. Ông Thịnh đề xuất Chương trình bình chọn nên có sự cân đối giữa các tỉnh, thành, các lĩnh vực công tác cũng như ưu tiên hơn cho các tấm gương đại diện cho thế hệ trẻ, hoạt động trong các lĩnh vực khó và mới, như công nghệ thông tin, biên giới hải đảo... nhằm lan tỏa tinh thần tiên phong đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tán thành ý kiến của ông Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) Trần Văn Quảng đề nghị cần vinh danh các tấm gương trong xây dựng, thi hành pháp luật; đồng thời quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Còn bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị bổ sung thêm các gương sáng là các hòa giải viên (qua cuộc thi Hòa giải viên giỏi mà Bộ Tư pháp đang tổ chức), bởi đây là những tấm gương góp phần lan tỏa, tuyên truyền pháp luật đến người dân rất hiệu quả.

5.jpg
Ông Trần Văn Quảng, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.

Cho rằng ý nghĩa của Chương trình đã tạo hiệu ứng, động viên, tập hợp toàn xã hội trong quá trình xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật, Thượng tá Đàm Đình Hòa, Phó Trưởng phòng Thông tấn Báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kiến nghị, ngoài truyền hình trực tiếp trên kênh sóng Truyền hình Quốc hội, cần tăng cường sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo hiệu ứng rộng hơn cho Chương trình.

6.jpeg
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng cũng đề xuất Hội đồng cân nhắc để bảo đảm vinh danh các gương sáng mang tính đại diện, toàn diện hơn nữa khi tham gia vào đời sống pháp luật của nước ta, trong đó ưu tiên hướng về cơ sở. Ngoài ra, ông Quốc kiến nghị nghiên cứu bổ sung hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút đông đảo người dân theo dõi, góp ý kiến.

2(1).jpg
Ông Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Trân trọng cám ơn các phát biểu của thành viên Hội đồng, Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoài Nam cho biết, Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn sẽ bình chọn, tôn vinh theo các tiêu chí đã đề ra. Đặc biệt, cùng với bình chọn, vinh danh những tấm gương tại buổi Lễ, Báo PLVN sẽ phát hành kỷ yếu các tấm gương đã được đăng tải trên Báo, nhằm lan tỏa những việc làm tốt, có ý nghĩa trong xã hội…

Lễ tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2023 sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, góp phần lan tỏa và khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Theo Quy chế của Chương trình bình chọn, tôn vinh, danh hiệu Gương sáng Pháp luật là sự ghi nhận của Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn Gương sáng Pháp luật đối với các cá nhân được bình chọn, đáp ứng các tiêu chí bình chọn. Danh hiệu Gương sáng Pháp luật được Bộ Tư pháp trao tặng các cá nhân được bình chọn nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm tôn vinh các cá nhân có đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
50 cá nhân tiêu biểu sẽ được vinh danh 'Gương sáng Pháp luật' năm 2023