20 bệnh nền khiến người mắc Covid-19 tăng nguy cơ diễn biến nặng

Chí Tâm| 24/08/2021 09:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đái tháo đường, ung thư, béo phì, tăng huyết áp là những bệnh lý nền khiến người mắc Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng.

Theo Quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế ban hành danh mục các bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19 bao gồm:

1. Đái tháo đường

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu

6. Béo phì, thừa cân

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)

8. Bệnh lý mạch máu não

9. Hội chứng Down

10. HIV/AIDS

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác

13. Hen phế quản

14. Tăng huyết áp

15. Thiếu hụt miễn dịch

16. Bệnh gan

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện

18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn người mắc Covid-19 theo dõi sức khỏe tại nhà hàng ngày về các chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng khi mắc Covid-19:

- Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài).

- Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.

- Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ...

Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào dưới đây, bệnh nhân phải báo ngay với cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, việc giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu.

Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc Covid-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.

Theo đó, Bộ Y tế triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.

Để điều trị F0 tại nhà, Bộ Y tế đã đồng ý để triển khai chương trình thí điểm phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho F0 tại nhà ở TP.HCM dự kiến triển khai vào ngày 25/8.

Đồng thời Bộ Y tế đã hướng dẫn thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TP.HCM. Theo đó, có khoảng 400 trạm y tế lưu động sẽ được thiết lập tại TP.HCM để quản lý, điều trị F0 tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20 bệnh nền khiến người mắc Covid-19 tăng nguy cơ diễn biến nặng