1.555 công trình, sáng kiến tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục

Đức Duy| 19/05/2022 19:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục 2021, hôm nay (19/5), Ban Giám khảo vòng chung khảo đã phỏng vấn trực tiếp các tác giả, trưởng nhóm tác giả để lựa chọn ra các công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của năm 2021.

Mỗi nhóm tác giả trình bày ý tưởng và phản biện ý kiến trước ban giám khảo. Hội đồng chung khảo năm nay tiếp tục quy tụ những lãnh đạo đầu ngành công nghệ và giáo dục, các nhà phản biện giáo dục uy tín và các chuyên gia có nhiều năm sâu sát trong ngành sư phạm.

tac-gia-hoang-anh-duc_cung-hoc-nen-tang-hoc-tap-truc-tuyen-cho-giao-vien-viet-nam.jpg
Tác giả Hoàng Anh Đức_Cùng học - nền tảng học tập trực tuyến cho giáo viên Việt Nam.

Tại buổi chấm chung khảo, câu hỏi được các giám khảo nhiều lần đặt ra cho tác giả các công trình là “Đâu là tính mới của công trình và đâu là điểm khác biệt so với thị trường”. Đồng thời, các giám khảo còn quan tâm đến khả năng thương mại hoá và ứng dụng của các công trình vào thực tiễn. Không chỉ đưa ra các câu hỏi, hội đồng giám khảo còn gợi ý và định hướng để các tác giả mở rộng và phát triển các công trình trong tương lai.

Từ phần thuyết trình và phản biện của các tác giả, hội đồng chung khảo sẽ lựa chọn ra các công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của năm 2021, mỗi công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất được nhận giải thưởng 100.000.000 đồng; các công trình còn lại được nhận giải thưởng 10.000.000 đồng. Kết quả chung cuộc sẽ được thông báo trong Lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2021 diễn ra vào ngày 19/5 tại Hà Nội.

dtr_1867nnn.jpg
Hội ban giám khảo chấm vòng chung khảo.

Đại diện đơn vị đồng hành, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long nhận định “Thực tế chứng minh rằng “Tri thức trẻ vì giáo dục” không phải chỉ là một phong trào nhất thời vì khó có phong trào nào kéo dài được hơn 6 năm và thu hút hàng ngàn ý tưởng của các trí thức trẻ trong và ngoài nước. Không chỉ bền bỉ trên một chặng đường dài, trong thực tế, “Tri thức trẻ vì giáo dục” luôn đề cao giá trị thực tiễn của các công trình dự thi.

Mỗi năm, chúng tôi đồng hành cùng nhiều tác giả để hoàn thiện ý tưởng và đưa vào thực tiễn giảng dạy. Sức bền và khả năng ứng dụng thực tiễn là hai yếu tố khẳng định giá trị của “Tri thức trẻ vì giáo dục”, vượt qua quy mô của một phong trào”.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ triển khai nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc 3 nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Chương trình đã kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 và bước sang giai đoạn mới 2021 - 2026. Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021 - 2022 được triển khai từ ngày 28/4/2021 với nhiều điểm mới. Bên cạnh tìm kiếm các công trình, sáng kiến, chương trình đã tổ chức talkshow trực tuyến với chủ đề “Trí thức trẻ trong kỷ nguyên mới của tri thức” với sự tham gia của các tác giả, nhóm tác giả, các nhà khoa học, nhà giáo dục, đại diện các ban, bộ, ngành.

pgs.-ts.-nguyen-vu-bich-hien-hieu-truong-truong-dai-hoc-thu-do-ha-noi.jpg
PGS. TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội đặt câu hỏi cho tác giả.

Qua hơn 6 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 1.555 công trình, sáng kiến tham gia Chương trình của 827 tác giả và nhóm tác giả trên cả nước. Theo đó, về mặt nội dung có: 224 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 325 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 979 hồ sơ công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
1.555 công trình, sáng kiến tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục