Ngược dòng Đà giang

Nguyễn Đức Bảo| 09/01/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây vài năm, tôi đã từng ngược sông Đà lên Huổi Ca, bản tận cùng của xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên và Nậm Mạ, một xã thuộc vùng thấp của huyện Sìn Hồ, Lai Châu, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với lòng hồ mênh mang sóng nước.

Kể từ khi chia tách thành hai tỉnh, sông Đà trở thành ranh giới ôm hai bờ nỗi nhớ giữa Điện Biên và Lai Châu. Huổi Só và Nậm Mạ, hai xã nằm hai phía bờ sông. Nếu tính từ điểm khởi nguồn ở núi Ma Su, xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu) đến nơi kết thúc tại ngã ba Trung Hà (Hà Nội) thì sông Đà có tổng chiều dài 543km, chảy qua 4 tỉnh Tây Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình.

Ám ảnh vàng sa khoáng

Nhờ người quen giới thiệu, tôi thuê được một lái xuồng, tên Tẩn A Đành, nhà ở Huổi Lóng. Tuy mới ngoài 40 tuổi, nhưng theo đánh giá của người dân ở đó thì Đành lái “cừ” nhất bản, và xuồng của anh cũng mới nhất, vững chắc nhất. Đó là chiếc xuồng bằng gỗ xâng, còn khá mới, dài 11m, đáy rộng khoảng 0,7m. Từ nhiều năm nay, Đành chuyên nhận chở thuê hàng hóa cho các thương lái trên sông Đà từ Lai Châu xuống và từ Quỳnh Nhai (Sơn La) lên.

Và, Đành cũng là một người cởi mở, hay chuyện. Trên suốt hành trình ngược sông, anh liên tục giải thích cho tôi biết từng ghềnh đá, xoáy nước hay những bãi bồi giữa sông - hệ quả của các tàu khai thác vàng sa khoáng để biết đường né tránh. Chặng đường từ trung tâm xã Huổi Só lên thôn Huổi Ca, tôi đếm được ít nhất có 4 tàu khai thác vàng sa khoáng trên sông Đà. Hệ thống máy khai thác quặng cát sỏi được gắn trên hai thân bè sắt neo cố định trên mặt sông bởi những sợi cáp to như bắp tay căng ngang hai bên bờ sông, cột vào các thân cây hoặc mỏm đá.

Ngược dòng Đà giang

Nhờ nghề cá, đời sống đồng bào Thái - Mông ở Huổi Só và Nậm Ma ngày càng thêm khấm khá

Tiếng máy dầu chạy ầm ầm, đá, sỏi nạo vét từ lòng sông được tời lên rồi đổ vào những sàng lọc bằng thép phát ra âm thanh đinh tai nhức óc suốt ngày đêm. Các ông chủ toàn là người dưới xuôi lên thuê nhân công địa phương khu vực gần sông Đà để khai thác vàng. Mỗi “trạm” khai thác này đều làm việc 24/24giờ, công nhân chia ca thay nhau chạy máy.

Hiện nay, vàng sa khoáng sông Đà không còn nhiều bởi sự khai thác triệt để của những đoàn quân đãi vàng suốt bao năm qua, từ thời đào đãi thủ công bằng tay cho đến chạy bằng máy. Nếu tính lượng vàng bây giờ mỗi tàu khai thác được 1,5 - 2,5 chỉ vàng/ngày đêm thì chỉ bằng một phần nhỏ so với việc đào đãi thủ công cách đây 1 - 2 chục năm. Ông Chang A Máu, nguyên là trưởng bản Huổi Lóng (xã Huổi Só) cho biết: Những năm 80 của thế kỷ trước, vàng sa khoáng sông Đà nhiều lắm, không cần phải nhọc nhằn, đánh đu số phận với những hiểm nguy của việc khai thác giữa lòng sông mà chỉ cần đào đãi ven bờ. Toàn bộ khu vực bãi cát ven bờ sông sát bản Huổi Lóng, trước đây là một bãi vàng sôi động.

Ngày ấy, ông Máu cũng tay mâm, tay cuốc cùng những thanh niên bản gia nhập đội quân đãi vàng bởi vì vàng quá... dễ tìm. Chỉ cần cuốc, xẻng, gầu, chảo, mâm... đào đãi thủ công nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 4 - 5 chỉ, có ngày trúng hơn lượng vàng. Nhưng dù thế nào chăng nữa, một khi việc khai thác vàng sa khoáng còn tràn lan, chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì những hậu quả nó để lại sẽ rất khốc liệt. Trước hết là cạn kiệt tài nguyên quý hiếm, việc đào bới cát sỏi dưới lòng sông để đãi vàng để lại những vũng sâu nước xoáy thuyền bè qua lại không thể lường trước đồng thời tạo nên những gò đá, bãi bồi nhân tạo giữa sông làm biến đổi dòng chảy.

Bên cạnh đó, khai thác bằng máy nên một lượng dầu, nhớt đã xâm nhập trực tiếp vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường thủy sinh trên sông Đà, đấy là chưa kể thiệt hại về người. Mới tối hôm qua, khi tới Huổi Lóng tôi không gặp được trưởng bản Lò Văn Nghị vì anh bận đưa xác một công nhân đãi vàng bị ngã xuống sông lúc nửa đêm và bị kẹt dưới gầm tàu (đó là một thanh niên người Quỳnh Nhai làm thuê cho tàu đãi vàng thuộc địa phận quản lý nên trưởng bản phải đưa về quê nhà xác nhận).

Khúc sông kỳ vĩ nhất Việt Nam

9 giờ sáng, sương mù tan dần, cảnh vật hai bên bờ sông đã rõ hơn nhưng sương khói vẫn bảng lảng trên mặt sông, thỉnh thoảng lại bắt gặp những cô gái dân tộc chèo thuyền độc mộc giữa mênh mông sóng nước tạo nên một khung cảnh vừa huyền hoặc vừa gần gũi. Tiếng cười giòn tan và những câu nói đùa từ phía các cô gái chèo thuyền như phá tan màn sương sớm. Khi thấy máy ảnh của khách hướng về mình, các cô ríu rít, chiếc thuyền độc mộc chao nghiêng. Thoáng chốc, bóng dáng của những sơn nữ đi chợ sớm đã lẫn vào khói sóng sông Đà.

Dọc sông Đà, có những đoạn sông xẻ đôi cao nguyên trên ngàn mét, nước chảy giữa hai vách núi dựng trời. Hữu ngạn là cao nguyên Sìn Hồ với độ cao trên 1.500m, tả ngạn là vùng Tủa chùa, cũng cao tới 1.200m. Thế nên dòng sông kẻ thành một khe sâu hoắm giữa vùng cao nguyên chất ngất núi này. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây chính là một khúc sông kỳ vĩ nhất Việt Nam với những vách núi hùng vĩ và hoang sơ. Có những đoạn, những con sóng dữ từ ngàn năm qua đã bào mòn vách núi sâu hoắm thành một vách ngược, treo lơ lửng ở trên là những nhũ đá, những gốc cây mọc ngược xuống dưới, trông vô cùng quái dị.

Gần đến bến Nậm Mạ, Tẩn A Đành bẻ lái cho xuồng cắt ngang mặt sông để tránh một gềnh đá, từng cuộn nước đập vào mũi xuồng oàm oạp, hơi lạnh từ ngọn sóng phả vào mặt khiến người nổi gai ốc, con xuồng không chịu để dòng nước xiết khuất phục, kiêu hãnh nhấp nhô trên sóng, lượn qua mỏm đá trườn sang bờ sông bên kia. “Những gềnh đá này rất nguy hiểm, các cành cây cũng thường mắc lại các xoáy nước, nếu không chú ý để xuồng vướng phải rất dễ đắm”, vừa chăm chú bẻ lái, A Đành vừa giải thích.

Đành kể, cách đó ít ngày, ngay tại khu vực gần bến Nậm Mạ đã xảy ra một tai nạn hết sức thương tâm. Hôm đó, chiếc xuồng chở 9 người từ Sín Chải xuống Nậm Mạ mua hàng đã bị đắm khi chân vịt vướng vào một cành cây gẫy chìm dưới nước. 5 người đã thiệt mạng trong đó có 2 vợ chồng và một đứa con 5 tuổi, họ xuống Nậm Mạ để mua chiếc ti vi về đón Tết.

“Hồng Kông” của Sìn Hồ

Bến Nậm Mạ khá tấp nập, sôi động mà theo lời nói vui của mấy cán bộ xã Huổi Só, thời kỳ đào đãi vàng còn rầm rộ, ban đêm Nậm Mạ được gọi là “Hồng Kông” của Sìn Hồ. Đây là trung tâm mua bán hàng hóa do dân buôn chở từ Quỳnh Nhai lên bán cho bà con dân tộc địa phương. Ở đây không thiếu một mặt hàng gì từ thóc, gạo, đỗ, lạc, rau, quả, thực phẩm đến hàng điện tử, vật liệu xây dựng, có cả hàng bán đồ ăn sáng, trưa, tối.

Cửa hàng bập bềnh ngay trên sông, được kết lại bởi những bè sắt vững chắc neo cơ động có thể lên xuống theo mức nước. Một cô gái bán hàng tên Kim Anh cho biết: Gia đình cô tận Thái Bình lên đây buôn bán đã lâu, hàng hóa ở đây bán khá chạy, tuy giá có cao hơn ngoài chợ huyện một chút nhưng vì thuận tiện nên người dân sẵn sàng mua hàng. Đúng là để ra chợ huyện, người dân bản Huổi Lóng, Huổi Ca, Pê Răng Ki (xã Huổi Só) và một số bản ven sông Đà xã Sín Chải mất nhiều thời gian đi bộ vất vả nhưng dùng xuồng đi đường sông lại rất nhanh.

Món hàng đặc sản ở đây là cá lăng sông Đà, những con cá lăng nặng từ 3kg trở lên được chủ hàng thu mua tại chỗ với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg nhưng ra đến các nhà hàng đặc sản tại thị xã Mường Lay hoặc TP. Điện Biên Phủ đã lên vài trăm nghìn một ký. Chính vì thế có những người đàn ông suốt đời không biết làm nương rẫy mà lênh đênh trên sông Đà buông câu, thả lưới làm kế sinh nhai. Nhiều hộ dân khu vực ven sông của cả hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu phải di dời phục vụ công trình thủy điện Sơn La đã không cầm được nước mắt khi phải xa dòng sông thân thuộc, tạm biệt cuộc sống sông nước để chuyển về nơi ở mới.

Ngược dòng Đà giang

Tẩn A Đành, người lái xuồng giỏi nhất Huổi Lóng

Những chòm bản nằm dọc sông đã có được nhiều lợi thế từ khi sông Đà tích nước. Nguồn thủy sản dồi dào, vấn đề giao thương hàng hóa của người dân trong hai xã cũng dễ dàng hơn, đã tạo cho người dân cơ hội đổi đời sau khi tái định cư. Anh Phàm A Hy ở thôn 1, xã Huổi Só kể, trước đây, khi nước sông Đà chưa dâng, đoạn sông này chỉ là một dòng suối nhỏ, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cả bản Pa Phông. Nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi, từ khi nước ngập, tôm cá theo dòng về nhiều. Gia đình anh cùng 6 hộ trong bản Thôn 1 đã đầu tư chung để làm vó bè, mua lưới đánh bắt cá.

Đỉnh điểm, có những đêm vó bè của anh thu về hơn 1 tạ cá, tôm các loại. Sau khi bán, trừ chi phí thì mỗi hộ cũng có 600.000 đồng, hôm nào ít, mỗi đêm cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô. Khai thác lợi thế bản ven sông, người dân ở thôn anh còn đóng xuồng phục vụ công việc thả lưới, vận chuyển hàng hóa. Hai thôn 1 và 2 ước tính phải có đến 70 xuồng sắt và gần 100 xuồng tay (bằng gỗ).

 “Phải rời bỏ bản cũ cũng nhiều phân vân, đắn đo lắm. Nhưng khi lên đây mới thấy mình... may mắn! Chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, xây dựng thủy lợi, hỗ trợ tiền đền bù di chuyển, tái định cư, lại có thêm nguồn sống từ dòng sông”, anh Hy chia sẻ. Có lẽ, để bù lại cho những hy sinh của người dân, dòng nước thâm giao bao đời với bà con ấy đã tạo ra nhiều tiềm năng để bà con khai thác, phát triển kinh tế.

Chúng tôi quay về khi những tia nắng cuối cùng trong ngày khuất dần sau dãy Huổi Só. Chiếc xuồng máy thuận dòng, nhẹ nhàng lướt sóng. Dưới ánh hoàng hôn, mặt nước pha sắc tím rung rinh bóng núi. Thấp thoáng  là những chiếc xuồng của bà con người Dao chở củi, gùi rau, cây chuối cho lợn ngược xuôi về nhà sau một ngày đi nương. Những chùm “gủi nhúi” (tua trên cổ áo của phụ nữ Dao) tung bay trong gió, loang loáng trên mặt nước sông Đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược dòng Đà giang