Hồi 04 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, trong 06 giờ vừa qua, bão số 12 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam tốc độ khoảng 20km một giờ và tiếp tục mạnh lên.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên. Đến 04 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ chiều nay (03/11) vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (04/11) tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Nhiều nơi tại Khánh Hoà nước lũ dâng cao. Ảnh: Văn Ngọc/SGGP
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5-7m, vùng ven bờ từ 2-4m.
Từ gần sáng và ngày 04/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ chiều và đêm nay (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.
Để chủ động ứng phó với bão số 12, các địa phương trong vùng bão đi qua đã họp khẩn, đưa ra phương án phòng chống bão. Tỉnh Bình Thuận đã tạm ngưng hoạt động tuyến vận tải đường biển Phan Thiết-Phú Quý, đồng thời tổ chức họp khẩn ứng phó bão, giao các địa phương theo dõi, thông báo cho nhân dân để chủ động phòng tránh; rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có mưa, lũ lớn kết hợp phải xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng xảy ra.
Các địa phương vùng biển phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tìm nơi trú ẩn, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Đặc biệt là các tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động, đánh bắt hải sản trên vùng biển từ Côn Đảo trở xuống đến Cà Mau, Kiên Giang.
Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư theo kế hoạch đã được phân công, sẵn sàng tham gia ứng phó, di dời sơ tán dân, giúp dân chằng buộc nhà cửa, kho tàng khi có yêu cầu hoặc lệnh điều động ứng cứu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ…
Tại Ninh Thuận, tỉnh có công điện khẩn gửi các địa phương, sở ngành liên quan ứng phó cơn bão có khả năng đổ bộ vào tỉnh này. Tỉnh đã liên lạc, gọi hơn 2.600 tàu thuyền trú tránh, neo đậu, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Địa phương cũng yêu cầu toàn bộ dân trên các lồng bè, chòi canh vào bờ.
Ở Phú Yên, trong ngày 2/11, thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh xả lũ cộng mưa to từ nhiều ngày trước gây ngập lụt cho nhiều huyện. Ở huyện Đồng Xuân còn ba xã bị lũ cô lập.