Thủ tướng: VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn

Xuân Lan| 04/08/2016 14:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 4/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về vấn đề thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn.

Sản xuất kinh doanh chuyển biến rõ rệt sau tái cơ cấu

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, Tập đoàn đã triển khai tái cơ cấu qua 3 giai đoạn, theo đó, cơ bản hoàn thành công tác tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định. Bộ máy quản lý của Công ty mẹ đã được tổ chức lại từ 15 đầu mối với hơn 500 lao động giảm còn 11 đầu mối với 300 lao động. Bộ máy tổ chức được sắp xếp tinh gọn hơn, “cơ bản khắc phục tình trạng ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Thủ tướng: VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn

Thủ tướng tham quan sản phẩm công nghệ của VNPT

Tổ chức hoạt động của VNPT đã được chuyển sang mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”. Triển khai áp dụng đồng bộ các công cụ quản trị hiện đại như hệ thống thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps, phần mềm quản lý điều hành…

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu đạt 61.347 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch. Tổng lợi nhuận thực hiện đạt 2.196 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2015. Thuê bao di động phát triển mới đạt hơn 6,4 triệu thuê bao, tăng 47,5% so cùng kỳ. Tổng số thuê bao Internet đạt 250.000 thuê bao, tăng 61,2% so cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, bảo đảm hoạt động của hệ thống vệ tinh Vinasat 1, 2 và hệ thống mạng thông tin chuyên dùng phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền; cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích tới các vùng sâu, vùng xa nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trong 5 năm tới, VNPT đặt mục tiêu tổng lợi nhuận đạt 24.174 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, ông Trần Mạnh Hùng khẳng định. Tổng nộp ngân sách của VNPT dự kiến đạt 21.120 tỷ đồng.

Phải vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường viễn thông Việt Nam

Ghi nhận những kết quả khá toàn diện từ quá trình tái cơ cấu của VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã coi trọng khoa học công nghệ trong quá trình phát triển, giúp năng suất lao động tăng cao và giá trị gia tăng cũng nâng lên. Việc tái cơ cấu được thực hiện theo đúng mô hình chuỗi giá trị hiện đại, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Do đó hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên, vốn Nhà nước không những được bảo toàn mà còn phát triển. Tập đoàn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là việc tham gia hợp tác xây dựng thành phố thông minh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, hạ tầng viễn thông do VNPT xây dựng và quản lý đứng vào top 10 quốc gia hiện đại của thế giới. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của VNPT như chưa hoàn thành một cách cơ bản, toàn diện tái cơ cấu theo Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình tổ chức sắp xếp còn một số vấn đề, nhất là với khối trường học, bệnh viện thuộc Tập đoàn. Số lượng thuê bao di động không thấp nhưng doanh thu chưa cao.

Thủ tướng: VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với VNPT

Nhấn mạnh tinh thần viễn thông tiếp tục là ngành mũi nhọn, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, tạo điều kiện, động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác, là động lực cho các ngành lĩnh vực khác cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị VNPT có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn, thực hiện tốt hơn một số nhiệm vụ mà Chính phủ giao. “Các đồng chí làm kinh doanh thì không thể giao nhiệm vụ chính trị mà không tính hạch toán. Không thể để nhập nhằng giữa nhiệm vụ chính trị, phúc lợi xã hội với kinh doanh”, Thủ tướng nêu rõ.

VNPT cần tối đa hóa giá trị, mang lại lợi nhuận, lãi vốn cao nhất cho Nhà nước. Đây là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động điều hành của Tập đoàn.

Phải phấn đấu đưa VNPT vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường viễn thông Việt Nam. VNPT phải phát triển mạng viễn thông di động, thương hiệu VinaPhone đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì.

VNTP tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền dữ liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến cấp xã, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Xây dựng các trang web cho những xã khó khăn theo hướng phong phú, đa dạng nội dung, từ đó, các doanh nghiệp có thể biết được thông tin và hỗ trợ cho các xã khó khăn đó.

Đối với nhiệm vụ tái cơ cấu thời gian tới theo Đề án của Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu toàn Tập đoàn phải nỗ lực hơn nữa: “Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung theo Quyết định Tái cơ cấu VNPT của Thủ tướng đối với một số việc mà VNPT chưa triển khai. Trong đó, tiếp tục hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh xử lý vấn đề tái cơ cấu cần thảo luận trong bối cảnh khoa học công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch, nhất là kế hoạch đầu tư phát triển tập đoàn giai đoạn đến. Trong đó, chọn công nghệ, đầu tư có trọng điểm lĩnh vực có hiệu quả. Tôi mong muốn các đồng chí có một số sản phẩm công nghiệp viễn thông của VNPT”.

Lưu ý VNPT đổi mới mô hình của từng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng mô hình hiện nay gặp trở ngại gì thì phải sửa với tinh thần bộ máy VNPT tinh gọn, hiệu quả hơn, năng động, nhạy bén.

Về đề xuất của VNPT cho phép sở hữu 20% vốn điều lệ của Mobifone và sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của MobiFone khi thực hiện cổ phần hóa để hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT trong quá trình tái cơ cấu, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đề xuất phương án cổ phần hóa MobiFone theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai trương dịch vụ di động vệ tinh Vinaphone-S của Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam. Như vậy, Vinaphone trở thành nhà mạng đáp ứng nhu cầu liên lạc trên toàn bộ không gian lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, có các giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn